Bệnh Sốt Xuất Huyết – Chăm Sóc Và Cảnh Báo Triệu Chứng Nặng

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên.

Người bị nhiễm virus Dengue do muỗi mang virus Dengue đốt, qua vết đốt, virus từ tuyến nước bọt của muỗi sẽ vào máu người rồi gây bệnh sốt xuất huyết. Virus Dengue có 4 type huyết thanh (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4). Ở Việt Nam có cả 4 type huyết thành này, có nghĩa là một người đã mắc sốt xuất huyết type này vẫn có thể mắc các type huyết thanh khác.

Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, trải qua 3 giai đoạn:

1. Giai đoạn sốt - 1 đến 2 ngày đầu: các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường khác: Sốt cao đột ngột, liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức mắt.

2. Giai đoạn nguy hiểm - Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh: các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy như xuất huyết dưới da (mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím), chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu, ngoài ra còn có một số triệu chứng xuất huyết nặng khác.

3. Giai đoạn hồi phục: Người bệnh hết sốt, tốt lên, thèm ăn và tiểu nhiều. Thời điểm này có thể phát ban hồi phục hoặc ngứa ngoài da. Tuy vậy, những bệnh nhân nặng, từ giai đoạn này sẽ xuất hiện biến chứng diễn tiến rất khó lường.

Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết dễ nhầm với một số sốt virus thông thường, khiến người bệnh chủ quan và bệnh dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, nhất là trong gia đình, tổ dân phố, làng xóm, thôn bản đã có người bị sốt xuất huyết cần được thăm khám ở các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, điều trị và tư vấn kịp thời.

Hầu hết bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ được nhân viên y tế hướng dẫn theo dõi sức khoẻ tại nhà như sau:

- Thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể, hạ sốt nếu trên 38,5 độ C (tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt ibuprofen và aspirin).

- Bù nước và điện giải bằng oresol và uống nhiều nước, với trường hợp mất nhiều nước do nôn, tiêu chảy, không uống nước được thì nên truyền NaCl 0.9% để bù.

- Ăn thức ăn dễ tiêu, hoa quả nhiều vitamin. Tuy nhiên không ăn những thực phẩm có màu nâu đỏ, nâu đen để tránh bị nhầm lẫn với những dấu hiệu của xuất huyết đường tiêu hóa.

- Theo dõi các hiện tượng xuất huyết, và các dấu hiệu bất thường.

Những dấu hiệu cảnh báo người bệnh cần phải đến bệnh viện ngay:

- Đau bụng nhiều: đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan.

- Nôn ói liên tục (3 lần trong vòng 1 giờ)

- Nôn ra máu hoặc có máu trong phân.

- Thở nhanh, khó thở.

- Vật vã, lừ đừ, li bì.

Người bệnh sốt xuất huyết hoặc nghi ngờ mắc sốt xuất huyết nên tới các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và tư vấn để đảm bảo điều trị bệnh hiệu quả, an toàn.