Cảnh Báo Nhiễm Trùng Tiết Niệu Vi Khuẩn Kháng Thuốc

Kháng kháng sinh là tình trạng khi vi khuẩn biến đổi để chống lại tác dụng của kháng sinh. Vi khuẩn có thể kháng lại một loại kháng sinh, thậm chí là nhiều loại, nguy hiểm hơn là tất cả các loại kháng sinh không còn khả năng tiêu diệt được nó. Tình trạng này nghĩa là bệnh nhân nếu nhiễm vi khuẩn siêu kháng thuốc sẽ không có cơ hội được điều trị do không có kháng sinh nào còn phù hợp.

Mặc dù kháng kháng sinh bản chất là một hiện tượng tiến hóa tự nhiên của vi khuẩn. Nghĩa là khi có một loại kháng sinh ra đời, theo thời gian thì vi khuẩn sẽ tìm ra cách biến đổi để thích ứng với loại kháng sinh đó. Tuy nhiên việc sử dụng sai kháng sinh ở người và động vật sẽ khiến tình trạng này xảy ra nhanh hơn rất nhiều.

Việt Nam là nước trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới. Tình trạng lạm dụng kháng sinh trong cộng đồng là nguyên nhân căn bản đưa nước ta trở thành nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới.

Kháng kháng sinh không chỉ khiến các bác sĩ cực nhọc trong công tác điều trị, mà còn giảm cơ hội được cứu chữa bệnh của mọi người đặc biệt là đối với trẻ em.

Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

Nhiễm trùng đường tiết niệu hay nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng tiểu (Urinary Tract Infection – UTI) là tình trạng viêm nhiễm ở bất kỳ bộ phận nào của hệ tiết niệu – thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Trong đó, hầu hết các bệnh nhiễm khuẩn thường liên quan đến đường tiết niệu dưới gồm bàng quang và niệu đạo. 

Nhiễm trùng bàng quang có thể gây nên những cơn đau đớn và cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra nếu nhiễm trùng đường tiểu lây lan đến thận. Thông thường, bác sĩ sẽ điều trị bệnh đường tiết niệu bằng thuốc kháng sinh. Nhưng các chuyên gia tiết niệu khuyên nên thực hiện nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh” để giúp ngăn ngừa nguy cơ bị nhiễm trùng hiệu quả hơn.

Vi khuẩn kháng kháng sinh nhanh do đâu?

Việt Nam là nước có cảnh báo đặc biệt về vấn nạn kháng kháng sinh của vi khuẩn. Tình trạng này đang dần trở thành một trong những hiểm họa đặc biệt nghiêm trọng với sức khỏe tại nước ta. Vi khuẩn kháng kháng sinh chủ yếu là do thói quen lạm dụng và sử dụng kháng sinh bừa bãi, đến từ nhiều phía:

Một trường hợp nhiễm vi khuẩn tiết niệu đa kháng thuốc

Nguyên nhân từ thầy thuốc: Không phải tất cả các bác sĩ đều lạm dụng kháng sinh, nhưng thực tế lâm sàng gặp không ít bác sĩ tại các phòng khám đã kê đơn kháng sinh một cách khá bừa bãi.

Có trường hợp bác sĩ còn bóc bao bì thuốc, chỉ lấy viên thuốc chia liều sẵn, rồi bỏ chung vào bịch nilon và hướng dẫn dùng mỗi lần 1 bịch. Điều này là rất nguy hiểm, bởi nếu không may bị dị ứng thuốc hoặc gặp bất thường gì sẽ rất khó khăn cho người xử lý. Thậm chí phải đưa bệnh nhân đến đúng bác sĩ đó may ra mới biết đã được dùng thuốc nào. Nếu được đưa đến với bác sĩ khác, bác sĩ sau này cũng không biết bệnh nhân đã dùng thuốc gì, nên nguy cơ kê lại kháng sinh (nếu phải dùng kháng sinh) đã dùng mà không hiệu quả là khá cao. Điều này khiến bệnh không khỏi mà còn khiến vi khuẩn có cơ hội kháng thuốc cao hơn.

Cũng có một số bác sĩ có quan điểm rằng bệnh nhân có sức đề kháng kém, vệ sinh kém nên dễ bội nhiễm. Cùng với sự sốt ruột nếu không được cho uống một loại kháng sinh thì sẽ còn lo lắng không khỏi bệnh, do đó một số bác sĩ đã vì nể mà kê kháng sinh để giải quyết cả 2 vấn đề trên. Việc kê đơn thuốc như vậy dần dần hình thành nên thói quen, không kê kháng sinh sẽ cảm thấy thiếu.

Ngừng lạm dụng kháng sinh để giảm nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc

Nhân viên nhà thuốc: Góp phần không nhỏ trong công cuộc đẩy nhanh tốc độ kháng thuốc của vi khuẩn phải kể đến vai trò của người bán thuốc. Chỉ cần ghé hiệu thuốc, đa số người dân có thể mua bất kỳ loại kháng sinh nào, hiếm khi họ được tư vấn một cách kỹ càng hoặc đòi hỏi phải có đơn thuốc mới bán.

Người đi mua thuốc chỉ cần kể bệnh: là đã có thể mua được một số thuốc, trong đó có kháng sinh.

Kháng sinh, nếu chỉ định đúng trong trường hợp có nhiễm vi khuẩn, thì cần dùng đúng liều đủ ngày. Và mỗi loại vi khuẩn cần dùng kháng sinh khác nhau để tiêu diệt hoặc kìm hãm chúng phát triển. Mỗi lứa tuổi lại phải dùng hàm lượng khác nhau; mỗi loại bệnh cần thời gian sử dụng kháng sinh khác nhau.

Cách sử dụng kháng sinh an toàn:

- Cần tạo thói quen hỏi bác sĩ về đơn thuốc. Lý do bác sĩ kê đơn dùng kháng sinh (nếu trong đơn thuốc có kháng sinh).

- Kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn, không có tác dụng với virus. Do đó nếu không được bác sĩ kê kháng sinh, không tự ý yêu cầu kê thêm kháng sinh và tuyệt đối không tự ý đi mua kháng sinh về dùng.

- Nếu được kê đơn có kháng sinh, cần dùng hết đơn thuốc, dù thấy đã đỡ bệnh. Việc tự ý ngừng thuốc sớm khiến vi khuẩn chưa được tiêu diệt sẽ bùng phát làm cho bệnh tái phát lâu khỏi. Và đây là nguyên nhân gây ra nguy cơ vi khuẩn kháng kháng sinh rất cao.

- Không giữ đơn thuốc lại để tự dùng cho lần ốm sau.

- Không dùng đơn kháng sinh của người khác cho mình và cũng không chia sẻ đơn thuốc của mình cho người khác mặc dù có các triệu chứng tương tự.

- Lưu lại sổ khám bệnh, ghi lại những lần sử dụng kháng sinh: Tên thuốc, liều dùng, thời gian dùng và bất kỳ tác dụng phụ nào xuất hiện. Thông báo cho bác sĩ các thông tin này trong lần khám bệnh sau để hỗ trợ bác sĩ lựa chọn loại kháng sinh phù hợp nhất.

Nguồn:

Báo Sức khỏe và đời sống: Cơ quan ngôn luận Bộ Y tế

Bệnh viện Tâm Anh

Khoa Nội thận - Tiết niệu Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới

Tầng 1, Khu nhà B, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới

Số điện thoại: 0565848112

Email: noithantietnieu14022019@gmail.com

Facebook: https://www.facebook.com/thantietnieu.noi

Phòng khám Nội thận - Tiết niệu tại khoa Khám bệnh  - Tầng 2 Tòa nhà kỹ thuật cao