Cảnh Báo Nuốt Dị Vật Đường Tiêu Hóa

Dị vật đường tiêu hóa trên là gì ?

Dị vật đường tiêu hóa trên là một cấp cứu trong đời sống sinh hoạt, mà dị vật ở đoạn thực quản hay gặp nhất. Đây là một tai nạn sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh

 Dị vật thường là các xương động vật (xương gà, vịt, cá, chim…), các dị vật trong đời sống sinh hoạt (tăm tre, đinh, đồng xu…) hay các khối thức ăn dạng cơ gân.

Hình ảnh: Các dị vật đường tiêu hóa được nhìn thấy trên hệ thống máy nội soi

NGUYÊN NHÂN LÀ GÌ ?

  • Người bệnh thường ăn uống nuốt vội khối thức ăn có lẫn dị vật, xương bên trong.
  • Vừa ăn vừa nói chuyện, các món ăn không nhai kỹ.
  • Bệnh nhân già yếu không có khả năng hoặc mất răng để cắn, xé thức ăndẫn đến cố nuốt khối thức ăn dai, gân, da, xương….
  • Do vội vàng khi uống thuốc không bỏ vỏ có cạnh sắc nhọn.
  • Do thói quen ngậm tăm sau khi ăn, khi đi ngủ, sau đó nuốt vào.
  • Các bệnh lý vùng thực quản như hẹp thực quản, co thắt thực quản, các viêm nhiễm tạo thành sẹo loét thực quản, hẹp tâm vị, hẹp môn vị, hẹp hành tá tràng tạo nguy cơ cản trở thức ăn.
  • Một số bệnh lý lân cận chèn ép gây hẹp thực quản, như u trung thất.

DẤU HIỆU CỦA DỊ VẬT ĐƯỜNG TIÊU HÓA

  • Giai đoạn sớm  :  Ngay sau khi hóc phải dị vật, người bệnh có cảm giác nuốt vướng, nuốt đau, không ăn uống được và thường nôn sau khi tiếp tục ăn uống. Đây là triệu chứng mà người bệnh phải tìm đến khám tại bệnh viện. Một số trường hợp người bệnh cảm thấy tức ngực khó thở, đau kèm theo nóng rát vùng sau xương ức.
  • Đối với nhữngdị vật vùng dạ dày như khối thức ăn gây tắc môn vị và hành tá tràng, người bệnh vẫn ăn uống được, chỉ có cảm giác buồn nôn, ăn không tiêu và thường nôn ra dịch thức ăn chưa tiêu lẫn thức ăn cũ.
  • Giai đoạn muộn : Dị vật gây xước rách, nhiễm trùng tại vị trí mắc phải, người bệnh có sốt, đau nhiều vùng họng, ứ đọng đờm rãi và thức ăn. Nôn ngay khi ăn, uống giai đoạn này là triệu chứng rất điển hình.

CÁC BIẾN CHỨNG CÓ THỂ GẶP

  • Bội nhiễm sốt là triệu chứng hay gặp nhất khi hóc dị vật dạng xương.
  • Áp xe vùng hầu họng, loét thực quản
  • Hẹp thực quản xẩy ra khi ổ viêm nhiễm kéo dài không được xử lý.
  • Biến chứng chảy máu cũng thường gặp khi dị vật dạng xương gây xước rách niêm mạc thực quản.
  • Hẹp có kéo biến dạng môn vị và hành tá tràng
  • Biến chứng gây xuyên mạch máu và thủng vào trung thất,

CHẨN ĐOÁN HÓC DỊ VẬT ĐƯỜNG TIÊU HÓA NHƯ THẾ NÀO ?

  • Hỏi tiền sử ăn uống và triệu chứng xâm nhập khi hóc dị vật.
  • Chụp X quang có thể thấy hình ảnh dị vật ở những dị vật cản quang.
  • Nội soi là phương pháp mà chúng tôi sử dụng để chẩn đoán xác định và điều trị can thiệp qua nội soi.

ĐIỀU TRỊ HÓC DỊ VẬT ĐƯỜNG TIÊU HÓA TRÊN RA SAO ?

  • Hiện nay người ta có thể sử dụng máy nội soi dạ dày ống mềm để chẩn đoán, xác định vị trí của dị vật, can thiệp điều trị và lấy dị vật qua nội soi.
  • Điều trị bằng phương pháp gắp dị vật qua nội soi là phương pháp an toàn và triệt để nhất. Sau khi gắp dị vật qua nội soi, người bệnh cần được nhập viện theo dõi và điều trị.

Hình ảnh các bác sĩ khoa nội Tiêu hóa –HHLS đang lấy dị vật thực quản

Hình ảnh dị vật răng giả sau khi được lấy ra

PHÒNG BỆNH

Phòng ngừa bị dị vật đường tiêu hóa,  khuyến nghị một số nội dung sau:

  • Trong khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh trộn canh vào cơm ăn cùng một lúc, vừa ăn vừa nói chuyện.
  • Tránh thức ăn dai, gân, da cho người già và trẻ nhỏ, cần cắt nhỏ nấu kỹ trước ăn.
  • Lưu ý các loại thịt cá có lẫn xương mà chưa được lọc kỹ.
  • Bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn xong.
  • Cần nhớ bỏ vỏ bao thuốc trước khi dùng.
  • Khi mắc phải dị vật người bệnh cần đến khám và điều trị can thiệp ngay ở các cơ sở Y tế có khả năng giải quyết, không nên tự ý điều trị tại nhà, hay điều trị mẹo theo dân gian rất nguy hiểm và làm bệnh phức tạp thêm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

                                                  Tác giả: Khoa Nội tiêu hóa - huyết học lâm sàng