Chăm Sóc Người Bệnh Thuỷ Đậu

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, do virus thuỷ đậu (Varicella Zoster) gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân.
Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp khi người lành hít không khí có những giọt nước bọt bắn ra của bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi. Ngoài ra, khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ dịch tiết của phỏng nước khi bị vỡ, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét của người mắc bệnh. Hoặc tiếp xúc với các vật dụng trung gian khi dùng chung với người bệnh thuỷ đậu. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.

Với bệnh thuỷ đậu, bên cạnh điều trị triệu chứng, chế  độ ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh, như sau:
1. Điều trị

  • Dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ để có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm.
    Lưu ý: Tránh làm vỡ các nốt thuỷ đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.

  • Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Đối với trẻ em nên nhỏ mũi 2 lần/ngày.
  • Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc.
  • Có thể dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp nốt thuỷ đậu bị nhiễm trùng: nốt có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh.
  • Lưu ý Nếu bệnh nhân cảm thấy: Khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

2. Chế độ sinh hoạt

  • Người bệnh tránh nơi đông người. Thuỷ đậu là bệnh rất dễ lây truyền nên người bị bệnh cần hạn chế đến những nơi đông người để tránh phát tán virus và lây lan cho người khỏe mạnh, giảm nguy cơ bệnh bùng phát thành dịch.
  • Người bệnh ở phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly là khoảng 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt mụn nước khô vảy hoàn toàn.
  • Không sử dụng chung vật dụng cá nhân
    Đồ dùng cá nhân như khăn mặt, quần áo, bàn chải đánh răng,... của bệnh nhân phải được vệ sinh thật kỹ và để riêng với đồ đạc của các thành viên khác để tránh lây lan.
  • Hạn chế sờ vào nốt phỏng. Người bệnh sẽ có cảm giác ngứa ngáy, nhất là ở những mụn nước to. Nếu gãi, mụn nước bị vỡ, dịch sẽ chảy ra vùng da lành và gây nốt phỏng ở đó.. Do đó, dù khó chịu nhưng người bệnh cần hạn chế sờ vào nốt phỏng, hạn chế gãi để tránh tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Đối với trẻ em nên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt mụn nước.
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch. Nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng, thấm hút mồ hôi. Đặc biệt không được tắm lá, nhiều người quan niệm lấy lá chè xanh, lá bàng để tắm cho người bệnh với hy vọng nhanh khỏi. Tuy nhiên, trong những lá này thường có tanin, dễ làm cho da bị tổn thương hơn, dị ứng và nhiễm trùng, nhất là làn da mỏng mang của trẻ nhỏ.
  • Lưu ý: Khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.

3.  Chế độ dinh dưỡng
Đặc thù của bệnh thuỷ đậu là bệnh do vi rút, phụ thuộc nhiều vào khả năng đề kháng tự nhiên của người bệnh. Vì vậy bên cạnh việc điều trị thuỷ đậu đúng cách thì chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ hỗ trợ thúc đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh.

Uống nhiều nước là một trong những lưu ý rất quan trọng đối với những người đang bị thủy đậu. Khi cung cấp đủ nước, cơ thể sẽ được thanh nhiệt, giải độc và tăng cường sức đề kháng. Do đó, người bệnh sẽ được giảm bớt mệt mỏi và nhanh khỏi bệnh hơn.

Ngoài nước lọc, bệnh nhân cũng có thể lựa chọn các loại nước ép rau củ, nước ép trái cây, chẳng hạn như nước ép dưa chuột, nước ép cà rốt,… Những loại nước ép này có chứa nhiều dưỡng chất, đặc biệt là những loại vitamin cần thiết cho cơ thể, giúp nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường sức khỏe cho người bệnh.

Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu. 
Nhóm thực phẩm được khuyên dùng có tác dụng tăng cường đề kháng và hạn chế để lại sẹo như trái cây và rau xanh. Các chất carotenoid, flavonoid trong trái cây và rau xanh, đặc biệt là cà chua, dưa hấu, cà rốt giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm hiệu quả. 


Bên cạnh những thực phẩm nên bổ sung, bệnh nhân mắc thủy đậu cũng cần tránh một số loại thực phẩm để tránh tăng kích ứng trên da, khiến da khó phục hồi và tăng nguy cơ để lại sẹo. Cụ thể như sau:

Các loại thực phẩm như sữa và các chế phẩm từ sữa, gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, tỏi, hành, mù tạt, đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ dễ gây nóng trong người, tăng tiết mồ hôi, tiết nhờn làm tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng hơn. Đồng thời, khiến những cơn ngứa ngày càng nhiều và khó chịu.

Bệnh nhân thủy đậu cũng nên hạn chế ăn mặn, chẳng hạn như các món kho, nấu,… vì nó có thể khiến cho cơ thể người bệnh nhanh bị mất nước và tình trạng ngứa ngáy của bệnh nhân sẽ ngày càng nghiêm trọng

 Thực phẩm tanh
Những thực phẩm như tôm, cua, cá,... rất dễ gây kích ứng trên da, khiến quá trình da hồi phục lâu hơn, thậm chí để lại sẹo mất thẩm mỹ.

Hiểu biết về bệnh thuỷ đậu để có biện pháp chăm sóc người bệnh thuỷ đậu an toàn, hiệu quả. Đồng thời khi người bệnh có triệu chứng bệnh thủy đậu, nên được khám và tư vấn của nhân viên y tế để được hướng dẫn và tư vấn phù hợp.