Dinh Dưỡng Điều Trị Bệnh Ung Thư

  1. Mục tiêu của chế độ dinh dưỡng

Mục tiêu là ngăn chặn hoặc phục hồi sự thiếu hụt dinh dưỡng, bảo tồn khối lượng nạc cơ thể, làm giảm thiểu các tác dụng phụ liên quan dinh dưỡng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

  1. Lời khuyên và thực đơn tham khảo

Một số những ảnh hưởng từ bệnh lí ung thư và tác dụng phụ do điều trị ung thư đến chế độ dinh dưỡng và cách giải quyết

Chán ăn: cơ chế đã được nói rõ ở phần trên. Giải quyết các vấn đề gây ra chán ăn sẽ giúp cho bệnh nhân ăn tốt hơn, nếu chán ăn vẫn còn thì việc dùng thuốc kích thích thèm ăn là cần thiết.

Lời khuyên:

- Chia thực phẩm thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, không chỉ ăn đơn thuần 3 bữa chính

- Tránh ăn nhiều chất lỏng trong bữa ăn hoặc chỉ ăn từng ngum nhỏ để tránh cảm giác no sớm trừ khi bệnh nhân có kèm thêm khô miệng hoặc các vấn đề về nuốt

- Trình bày thức ăn đẹp mắt để tăng sự thích thú trong bữa ăn

- Tập thể dục nhẹ hoặc đi bộ trước bữa ăn để cảm thấy đói hơn

- Ăn các món tráng miệng giàu năng lượng và giàu protein như các loại bánh tráng miệng, phô mai

- Ăn bất cứ loại thực phẩm nào mà bệnh nhân muốn vào bất cứ bữa nào trong ngày

Khô miệng: Xạ trị khu vực đầu và cổ, một số loại hóa trị, và một số thuốc có thể gây khô miệng hoặc làm đặc nước bọt. Các tuyến tạo nước bọt có thể bị kích thích và tiết ít nước bọt hơn, hoặc nước bọt có thể trở nên rất đặc và dính. Khô miệng có thể làm tăng nguy cơ sâu răng và nhiễm trùng miệng. Hút thuốc, uống rượu làm khô miệng có thể tồi tệ hơn.

Lời khuyên:

- Uống 8-10 ly nước mỗi ngày

- Chế biến thực phẩm nhỏ, mềm, hoặc có thể chế biến thức ăn bổ sung dạng lỏng như súp

- Ăn các thực phẩm ướt như các loại trái cây mềm, thịt nấu nhừ, các loại sinh tố

- Làm mềm thức ăn bằng nước dùng, nước sốt, nước thịt, sữa, kem

- Ngậm hoặc nhai kẹo cao su để kích thích tiết nước bọt

- Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng trước và sau bữa ăn bằng nước sạch (hoặc pha 1 lít nước và 1 thìa cà phê muối). Sử dụng bàn chải mềm để nhẹ nhàng làm sạch răng miệng

- Tránh uống các loại đồ uống có ga, có cồn, có tính acid

- Hạn chế các loại đồ uống có chứa cafein như cà phê, trà, cocacola, hay socola

- Có thể cho bệnh nhân ăn thêm dứa tươi để kích thích tiết nước bọt nếu miệng không bị đau

Đau miệng họng: sau hóa trị, xạ trị vùng đầu cổ thường xuất hiện viêm loét niêm mạc miệng, họng.Viêm niêm mạc thường xuất hiện trong vòng ba đến 10 ngày sau hóa trị, sau khoảng hai tuần xạ trị, ban đầu là rát, sau đó loét niêm mạc. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào số lượng bức xạ phát ra và bệnh nhân có sử dụng rượu và thuốc lá hay không, do chúng làm tình trạng này nặng hơn.

Lời khuyên:

- Tránh thức ăn chua cay, mặn, cũng như các thực phẩm ngâm dấm, một số súp đóng hộp

- Tránh sử dụng các loại thức ăn cứng, bánh mỳ khô, khoai tây, bánh quy giòn, các loại hạt

- Không cho bệnh nhân ăn thức ăn quá nóng hay quá lạnh. Cho bệnh nhân sử dụng thức ăn ấm, mùi vị nhẹ nhàng

- Không sử dụng các loại thực phẩm có cồn

- Nghiền, xay nhỏ thực phẩm mềm để bệnh nhân dễ ăn

Các vấn đề về nuốt: Quá trình nuốt được chia 4 giai đoạn: chuẩn bị, miệng, hầu họng, thực quản. Các giai đoạn này đều có thể bị ảnh hưởng bởi ung thư và điều trị.

Lời khuyên:

- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ

- Sử dụng dinh dưỡng bổ sung dạng lỏng cho bệnh nhân để đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng hàng ngày

- Nghiền, xay nhỏ thực phẩm mềm, nấu súp để bệnh nhân dễ ăn

- Uống 6-8 ly nước mỗi ngày

- Sử dụng gelatin để làm mềm và đặc thức ăn cho bệnh nhân dễ nuốt

Thay đổi cảm nhận mùi vị thực phẩm: thường xuất hiện sau liệu pháp hóa trị, xạ trị, hoặc do nhiễm trùng, thay đổi tâm lý. Thay đổi vị giác sau liệu pháp hóa trị thường hồi phục, nhưng có thể mất vài tháng. Sau liệu pháp xạ trị, đôi khi có thể là vĩnh viễn.

Lời khuyên:

- Sử dụng các loại bát, cốc sứ, thủy tinh để đựng thực phẩm chứ không phải đồ nhựa

- Sử dụng protein từ nguồn thực phẩm khác nhau: thịt đỏ, thịt gà, trứng, họ đậu

- Sử dụng trái cây tươi thay vì các loại trái cây đông lạnh

- Chế biến trái cây tươi ngâm đường, làm mứt thay vì các sản phẩm đóng hộp hay đông lạnh

- Thử sử dụng một số gia vị, mùi vị mới như hành tây, húng, các loại sốt để tăng và thay đổi hương vị món ăn

- Làm tăng hương vị món ăn bằng vị ngọt, hay vị chua, hay mùi thơm tự nhiên như dùng chanh

- Súc miệng bằng nước muối hay soda trước khi ăn để giúp ngon miệng hơn

- Giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ

- Tránh ăn trong phòng ăn ngột ngạt hay quá nóng

Buồn nôn - nôn: Buồn nôn và nôn hay gặp do hóa trị, hoặc xạ trị đường tiêu hóa, gan và não. 50% bệnh nhân hóa trị phải trải qua triệu chứng này.

Buồn nôn và nôn do hóa trị (CINV) được phân loại như sau:

- Cấp tính: Xảy ra 24 giờ hoặc ít hơn sau khi hóa trị

- Trì hoãn: Xảy ra 1-6 ngày sau khi hóa trị

- Trước hóa trị: Xảy ra trong vòng một tuần trước khi hóa trị liệu

Buồn nôn - nôn: cũng có thể là do tăng calci huyết, giảm thể tích, xâm lấn khối u vào đường tiêu hóa, gan, thần kinh trung ương, táo bón, do thuốc, chẳng hạn như thuốc phiện, nhiễm khuẩn/ nhiễm trùng huyết, tăng urê huyết, chậm làm rỗng dạ dày, hoặc chán ăn.

Lời khuyên:

- Ăn 6-8 bữa nhỏ/ngày thay vì 3 chỉ ăn 3 bữa chính

- Không ăn thực phẩm có mùi vị mạnh, tanh hay nóng hoặc cay

- Ăn các thực phẩm thanh mát, nhẹ nhàng

- Không ăn thực phẩm quá ngọt hay được chế biến quá nhiều dầu mỡ

- Nếu cần nghỉ ngơi, bệnh nhân có thể ngồi dậy hoặc nằm cao đầu ít nhất 1 giờ sau ăn

- Thường xuyên bổ sung nước để tránh mất nước

- Ăn thực phẩm nhạt, mềm dễ tiêu hóa

- Tránh ăn trong phòng nóng, ngột ngạt, nhiều mùi thức ăn

- Ngậm kẹo, chanh, bạc hà nếu trong họng, miệng có mùi khó chịu

- Nếu bệnh nhân nôn, súc miệng sạch, đợi khoảng 30 phút sau ăn lại, cố gắng uống từng ngụm nước nhỏ để tránh cảm giác buồn nôn

 Tiêu chảy: là triệu chứng thường gặp ở ung thư đường tiêu hóa như ung thư tuyến tụy, túi mật, đại tràng, trực tràng, hậu môn…. Sau phẫu thuật hoặc các thủ thuật bệnh nhân có thể xuất hiện tiêu chảy như: sau diệt hạch đám rối thân tạng (thường được thực hiện để giảm đau liên quan với ung thư tụy), cắt túi mật, cắt thực quản-dạ dày, cắt dạ dày, cắt khối tá tụy (thủ tục Whipple), cắt bỏ ruột và cắt dây thần kinh phế vị. Xạ trị vùng bụng hoặc vùng chậu, sử dụng thuốc như kháng sinh cũng là một nguyên nhân phổ biến của tiêu chảy.

Lời khuyên:

- Ăn nhẹ, thực phẩm lỏng, không có ga

- Cho bệnh nhân uống nhiều nước

- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ/ngày

- Tránh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, cay, hay quá ngọt

- Chế biến thực phẩm có muối dạng lỏng như canh, súp

- Ăn thực phẩm giàu kali như nước ép trái cây

- Bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ hòa tan như chuối, đào, lê

- Uống bù nước sau mỗi lần đi lỏng

Táo bón: có thể do mất nước hoặc thay đổi cơ chế trong ung thư. Ngoài ra, nhiều trường hợp do dùng thuốc như thuốc phiện, chế độ ăn không đủ chất xơ và nước, cũng như giảm hoạt động thể lực cũng là nguyên nhân gây táo bón.

Lời khuyên:

- Tạo thói quen đi vệ sinh vào 1 giờ nhất định

- Uống 8-10 ly nước/ngày, có thể uống thêm nước trái cây nếu thích

- Bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ hòa tan như chuối, đào, lê

- Tránh sử dụng các loại thực phẩm gây đầy hơi, khó chịu

- Không nói chuyện trong bữa ăn tránh nuốt không khí, không sử dụng các thực phẩm có ga

- Tăng cường hoạt động thể lực nếu có thể

Mệt mỏi: là thường biểu hiện như suy nhược, mệt mỏi, chóng mặt, giảm động lực hay sự quan tâm, cảm giác buồn bã, chán nản, thất vọng, khó chịu và giảm khả năng nhận thức.

Lời khuyên:

- Tập thể dục nhẹ nhàng, nhiều nghiên cứu cho thấy các hoạt động có liên quan đến giảm mệt mỏi ở bệnh nhân

- Uống đủ nước

- Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi nhiều giấc ngủ ngắn trong ngày

- Bổ sung đủ năng lượng cho bệnh nhân

Thực đơn tham khảo

 

Bữa

Món ăn

 

Sáng

 - Phở gà:

 - Bánh phở: 150g

 - Thịt gà: 40g

 - Hành, rau thơm: 20g

-   Mỡ: 3g

 

Phụ sáng

 - Sinh tố xoài:

 - Xoài chín: 120g

 - Sữa đặc có đường: 20g

 

 

 

Trưa

 - Cơm: 2 lưng bát con (gạo 110g)

 - Đậu phụ nhồi thịt sốt cà chua:

 - Đậu phụ: 60g

 - Thịt nạc vai: 20g

 - Cà chua: 50g

 - Dầu ăn: 5nl

 - Thịt lợn nạc rim tiêu: 40g

 - Ngồng cải luộc: 150g

Phụ chiều

 - Sữa đậu nành: 200ml

 - Đường: 10g

 

 

 

Tối

 - Cơm: 2 lưng bát con (gạo 110g)

 - Cá om dọc mùng:

 - Cá trắm: 60g

 - Dọc mùng: 75g

 - Dầu: 5ml

 - Rau thơm: 20g

 - Su su luộc chấm muối lạc/vừng

 - Su su: 150g

 - Muối lạc/vừng: 20g

 

Giá trị dinh dưỡng

 - Năng lượng: 1836 kcal Protein: 76g

 - Lipid: 49g Glucid: 267g Xơ: 16g Canxi: 426mg Fe: 13mg

 - Zn: 10mg

 

Bài viết được tổng hợp trình bày bởi Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới

Trên đây là những thông tin về dinh dưỡng điều trị bệnh ung thư mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hãy thường xuyên theo dõi Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới để cập nhật những tin tức có giá trị góp phần bảo vệ sức khỏe của bạn và những người thương yêu bên cạnh các bạn.

Mọi thông tin trên chỉ mang tính tham khảo, bạn có thể nhận tư vấn dinh dưỡng trực tiếp tại khoa Dinh Dưỡng, tầng 1 khu nhà 5 tầng.