Dinh Dưỡng Điều Trị Hội Chứng Ruột Ngắn

  1. Chế độ dinh dưỡng

Giai đoạn 1

Nhu cầu dịch nuôi tương đối lớn nên đặt đường truyền TM trung ương sớm để tránh nhiều đường truyền ngoại biên và đảm bảo cung cấp đủ dịch và năng lượng. Nhu cầu về nước, Natri, Kali đều tăng. Dịch mất qua sonde dạ dày, qua hậu môn tạm nên được đo 2 giờ/lần và được bù bằng đường riêng với dung dịch nuôi ăn tĩnh mạch. Khi tình trạng mất dịch điện giải ổn định và bác sĩ đã quen thuộc với tình trạng bệnh nhi của mình, lượng dịch và điện giải mất có thể tính chung vào dung dịch nuôi ăn đường tĩnh mạch. Thể tích dịch bù phải bằng thể tích dịch nhu cầu cộng với dịch mất qua sonde, hậu môn tạm. Thành phần dịch nuôi ăn cần cung cấp acid amin 2-3,5g/kg/ngày, đường nên chiếm 60-65% nguồn cung cấp năng lượng, chất béo chiếm 20-30%. Vitamin và vi lượng duy trì được cung cấp vào trong dịch nuôi. Với bệnh nhi có hậu môn tạm đoạn gần cần được bổ sung thêm vi lượng. Thiếu kẽm sẽ gây thiếu một số men ruột như alkine phosphatase, leucine aminopeptidase…..

Trong giai đoạn này, ranitidin 15-20mg/kg/ngày cho vào dịch nuôi ăn truyền tĩnh mạch liên tục để ức chế tiết acid, đồng thời làm tăng pH tá tràng, giúp cải thiện tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng, có thể thay bằng thuốc ức chế bơm proton (PPI).

Theo dõi ion đồ, đường huyết, chức năng thận, canxi máu mỗi ngày đến khi tình trạng bệnh nhân ổn định.

Giai đoạn 2, 3

Nuôi ăn đường miệng hoặc qua sonde kết hợp với nuôi TM chu kỳ, sau đó cai dần nuôi tĩnh mạch. Cho ăn qua miệng lượng nhỏ thường xuyên hoặc nhỏ giọt liên tục qua sonde, tránh cho ăn lượng lớn từng bữa, lượng cho ăn khởi đầu khoảng 50-80 ml/ngày chia làm 6-8 bữa, hoặc khởi đầu cho ăn khoảng 5-10% tổng nhu cầu năng lượng hằng ngày, gia tăng từ từ mỗi 3-5 ngày khi bệnh nhi đã dung nạp được lượng đó. Việc gia tăng nên bắt đầu từ gia tăng đậm độ năng lượng từ 0,6-1 kcal/ml. Khi bệnh nhi đã dung nạp năng lượng cao thì bắt đầu tăng thể tích. Dung dịch cho ăn không nên chứa nhiều chất xơ và nên có áp lực thẩm thấu thấp < 310mOsm/kg. Khi ăn qua đường miệng tăng, chú ý giảm dịch nuôi ăn TM để tránh quá tải. Bơm qua sonde liên tục giúp làm giảm nhanh nhu cầu nuôi TM và giảm tổn thương gan. Cho ăn dặm lúc 6 tháng tuổi giúp trẻ học cách ăn và nuốt, tránh chán ăn sau này. Trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ dị ứng sữa bò cao sau 1 thời gian nên có thể sử dụng sữa thủy phân nếu có dị ứng protein sữa bò.

Do chu trình của tế bào ruột bị đẩy nhanh hơn, do đó có giảm hoạt tính của lactase trong HCRN, có thể có bất dung nạp lactose. Triglycerid chuỗi trung bình (MCT) tan trong nước và được hấp thu dễ dàng trong lòng ruột, cần ở trẻ cắt hồi tràng hoặc suy dinh dưỡng, nhưng nếu quá nhiều gây tiêu chảy do tăng áp lực thẩm thấu. MCT không có tác dụng kích thích tăng sinh niêm mạc như LCT. LCT kích thích bài tiết mật và tụy, do đó là yếu tố gây tăng trưởng. Ngoài ra, LCT là nguồn cung cấp linoleic và linolenic acid, các chất cần thiết để tổng hợp prostaglandin nội sinh. Tất cả các công thức chứa MCT đều có LCT. LCT kích thích tiết mật và dịch tụy, cũng làm tăng nhu động ruột. Khi quá nhiều LCT trong lòng ruột, vi khuẩn sẽ thuỷ phân chúng, làm rối loạn hấp thu nước và điện giải, gây ra kém hấp thu. Trong trường hợp này, sử dụng cholestyramin 0.5-2g/kg/ngày có tác dụng và cần thiết phải bổ sung thêm các acid béo thiết yếu. Nhu cầu lipid được khuyến cáo là 2-4g/kg/ngày, tuỳ thuộc vào khả năng dung nạp của đường tiêu hoá.

Nếu bệnh nhân còn đại tràng, nên cho thêm một lượng chất xơ hợp lý trong khẩu phần ăn. Do acid béo chuỗi ngắn kích thích sự hấp thu nước và điện giải, trẻ sẽ giảm được lượng phân và giảm mất sodium. Lượng chất xơ cho ăn phụ thuộc vào khả năng dung nạp của đường tiêu hoá, lượng phân thải ra, mức độ chướng bụng do vi khuẩn trong đại tràng lên men chất xơ. Ở bệnh nhân không còn đại tràng hoặc chiều dài đại tràng ngắn mà không còn van hồi manh tràng, cần giảm hoặc thậm chí tránh cho ăn chất xơ.

Kiểm soát sự quá phát vi khuẩn (bacterial overgrowth)

Đây là một biến chứng thường gặp, gây tổn thương niêm mạc, kém hấp thu và di chuyển vi khuẩn (bacterial translocation), tăng khả năng độc gan của nuôi tĩnh mạch. Đó là do vi khuẩn sẽ khử liên kết của acid mật để hấp thu dễ dàng, do đó gây độc gan. Diệt vi khuẩn định kỳ bằng kháng sinh đường uống, không hấp thu tại ruột với liều ½ liều điều trị 10 ngày mỗi tháng.

Giảm dịch mất

- Đòi hỏi cần kiểm soát lâu dài bằng các thuốc làm chậm nhu động. Các dẫn chất thuốc phiện tổng hợp như Loperamide hiệu quả làm chậm trống dạ dày và giảm nhu động dạ dày ruột. Nhờ vậy nó giúp tăng hấp thu qua ruột. Tuy nhiên, phải rất thận trọng khi sử dụng Loperamide và không dùng khi bụng chướng vì khả năng quá phát vi khuẩn cao.

- Ở bệnh nhân bị cắt hồi tràng và phân lỏng nước, Cholestyramin có tác dụng gắn với muối mật, làm giảm viêm đại tràng do mật và tiêu chảy. Tuy nhiên, Cholestyramin làm rối loạn hấp thu lipid và có nguy cơ gây thiếu các vitamin tan trong dầu.

- Đồng phân Somatostatin có tác dụng khi sử dụng ngắn ngày. Cơ chế tác động chưa rõ, nhưng octreotide có tác dụng làm chậm thời gian vận chuyển ruột, tăng hấp thu nước và natri.

Phòng ngừa mất nước và điện giải

Lượng dịch mất ra tỉ lệ thuận với chiều dài đoạn ruột xa bị cắt. Nồng độ natri trong dịch mất ra hằng định ở mức 90 mOsm/L hoặc hơn, vì vậy lượng natri mất tương quan với lượng dịch mất và có thể bù lại theo đường uống. Dịch bù đường uống nên có nồng độ natri cao, thường từ 80-100 mEq/L với mục đích duy trì nước và điện giải.

Cho dù đã cung cấp nhiều natri theo đường tĩnh mạch, nên điều chỉnh kỹ lưỡng giai đoạn không truyền khi nuôi tĩnh mạch chu kỳ. Những bệnh nhân còn lại dưới 60cm hỗng tràng (tính từ góc tá hỗng tràng đến hậu môn tạm) có nguy cơ mất nhiều dịch và natri hơn lượng uống vào, dễ bị cân bằng nước và natri âm tính. Dung dịch bù nước với nồng độ natri đầy đủ giúp hấp thu nước và muối tốt nhất. Những bệnh nhân này không được uống nhiều nước hoặc các dung dịch có nồng độ natri bị pha loãng. Những bệnh nhân bị tiêu chảy nặng còn có nguy cơ thiếu magne.

Các biện pháp ngoại khoa hỗ trợ

  1. Ghép ruột
  2. Các phẫu thuật không ghép ruột:

- Phẫu thuật may và làm dài ruột (longitudinal intestinal lengthening and tailoring LILT) hay phẫu thuật Bianchi: sử dụng đoạn ruột dãn to chia ra may để làm tăng tổng chiều dài ruột và khâu nhỏ đường kính ruột lại

- Serial transverse enteroplasty (STEP): Phần ruột non dãn to được chia theo đường zigzag và sau đó may lại để kéo dài chiều dài ruột

Bài viết được tổng hợp trình bày bởi Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới

Trên đây là những thông tin về dinh dưỡng điều trị hội chứng ruột ngắn mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hãy thường xuyên theo dõi Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới để cập nhật những tin tức có giá trị góp phần bảo vệ sức khỏe của bạn và những người thương yêu bên cạnh các bạn.

Mọi thông tin trên chỉ mang tính tham khảo, bạn có thể nhận tư vấn dinh dưỡng trực tiếp tại khoa Dinh Dưỡng, tầng 1 khu nhà 5 tầng.