Dinh Dưỡng Điều Trị Trong Các Bệnh Về Mật

  1. Dinh dưỡng trong bệnh viêm túi mật cấp

1.1 Nguyên tắc dinh dưỡng

Mục đích: Khi bị viêm túi mật cấp tính, cần để cho túi mật nghỉ ngơi.

Nguyên tắc

- Nên loại bỏ hoặc giảm bớt các chất béo trong chế độ ăn và cả chất protid nữa vì chúng làm cho túi mật tăng co bóp.

- Chế độ ăn chỉ nên có glucid như nước đường, nước quả, nước rau, cho thêm bột ngũ cốc, khoai nghiền.

- Nên ăn nhạt, nhiều chất xơ để chống táo bón, có thể cho ăn sữa đã tách bơ.

1.2 Chỉ định:

Chế độ ăn chỉ có Glucid (đường): nước đường, nước quả, nước rau, sau cho thêm bột gạo, mì, khoai nghiền. Nên cho ăn nhạt, ăn nhiều xơ (có nhiều trong rau và hoa quả) chống táo bón, có thể cho sữa rút bớt kem.

  1. Dinh dưỡng trong bệnh viêm túi mật mạn

2.1 Nguyên tắc chế độ dinh dưỡng

Mục đích: Chế độ ăn nương nhẹ chức phận mật không khác gì lắm chế độ ăn nương nhẹ chức năng gan: Hạn chế chất béo vì nó kích thích túi mật co bóp mạnh.

Nguyên tắc

Trong trường hợp bị viêm túi mật hoặc đường mật mạn tính, bệnh nhân thường có triệu trứng rối loạn tiêu hóa, cần áp dụng một chế độ ăn nương nhẹ chức năng mật, tương tự như chế độ ăn nương nhẹ chức năng gan, cụ thể là hạn chế chất béo. Các chất mỡ có ảnh hưởng không chỉ đối với chức năng gan, mật mà cả với dạ dày. Nó làm cho môn vị mở chậm và gây đầy bụng vì nó tụ lại trong dạ dày. Mỡ cản trở bài tiết HCl (cần cho sự tiêu hóa protid) và làm cho mật xuống ruột không đều, tăng chất độc vào máu, ảnh hưởng tới gan.

Viêm túi mật và sỏi mật thường kết hợp và là nhân quả của nhau. Một số lưu ý trong việc ăn uống của người bị viêm túi mật hoặc sỏi mật:

- Protein: Khi bị viêm túi mật, không những bản thân bộ phận này bị tổn hại mà độc tố do nó sản sinh ra có thể qua đường mật chảy vào gan, gây hại cho gan. Trong trường hợp này, cơ thể cần được cung cấp các thức ăn giàu protein để phục hồi tổ chức gan mật bị tổn thương. Nhu cầu protein mỗi ngày là 1-1,2 g/ kg thể trọng.

- Chất bột đường: Đối với bệnh nhân viêm túi mật và sỏi mật, đây là nguồn cung cấp nhiệt lượng chủ yếu cho cơ thể. Nó vừa có lợi cho tiêu hóa vừa thúc đẩy sự hợp thành glycogen (có tác dụng bảo vệ tế bào gan). Mỗi ngày có thể sử dụng 300-500 g chất bột đường.

- Nước: Nên tăng thích đáng lượng nước hấp thu để xúc tiến sự tiết và thải loại dịch mật. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng ăn nhiều, uống lắm, khiến gan phải tiết ra một lượng dịch lớn, hậu quả là bệnh tình nặng thêm.

- Chất xơ: Nên tránh các thực phẩm giàu chất xơ vì nó có thể kích thích làm tăng nhu động ruột, khiến túi mật co bóp, gây đau đớn.

- Tránh dùng rượu bia và các chất kích thích (cà phê, trà), các gia vị nóng như tiêu, ớt...

- Mỗi ngày nên ăn 4-5 bữa, mỗi bữa một lượng nhỏ thức ăn.

- Đối với người bị bệnh nặng trong giai đoạn cấp tính, cần kiêng ăn. Khi bệnh đã đỡ hơn, nên sử dụng các thức ăn lỏng (chủ yếu là hợp chất đường). Sau đó, có thể ăn dạng hồ đặc hoặc cơm nát. Đặc biệt cần kiêng các thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao như lòng đỏ trứng, thịt mỡ, nội tạng động vật, lươn, tôm to...

Người bị viêm túi mật và đường mật mạn tính về mật mỗi ngày chỉ nên ăn một lần thịt, dùng loại thịt trắng và nạc, không có mỡ. Dùng thịt tươi, nấu đơn giản. Đạm thực vật (đậu, đỗ) nên ăn dưới dạng nghiền nát, ninh nhừ. Với các thức ăn giàu glucid, nên dùng nhiều đường vì dễ tiêu, không ảnh hưởng xấu đến mật, không dùng chocolate, ca cao, các thức ăn có trộn thêm trứng và bột (ví dụ bánh ngọt) vì gây khó tiêu.

  1. Dinh dưỡng trong bệnh viêm đường mật

3.1 Nguyên tắc dinh dưỡng

Trong trường hợp bị viêm túi mật hoặc đường mật mạn tính, bệnh nhân thường bị rối loạn tiêu hóa, cần áp dụng một chế độ ăn nương nhẹ chức năng mật, tương tự như chế độ ăn nương nhẹ chức năng gan, cụ thể là hạn chế chất béo. Các chất béo có ảnh hưởng không chỉ đối với chức năng gan, mật mà cả với dạ dày. Nó làm cho môn vị mở chậm và gây đầy bụng vì nó tụ lại trong dạ dày. Mỡ cản trở bài tiết HCl (cần cho sự tiêu hóa protid) và làm cho mật xuống ruột không đều, tăng chất độc vào máu, ảnh hưởng tới gan.

3.2 Thực phẩm không nên dùng và hạn chế dùng

Nên: mỗi ngày nên ăn một lần thịt, dùng loại thịt trắng và nạc, không có mỡ. Dùng thịt tươi, nấu đơn giản. Đạm thực vật (đậu, đỗ) nên ăn dưới dạng nghiền nát, ninh nhừ. Với các thức ăn giàu glucid, nên dùng nhiều đường vì dễ tiêu, không ảnh hưởng xấu đến mật.

Không nên: dùng chocolate, ca cao, các thức ăn có trộn thêm trứng và bột (ví dụ bánh ngọt) vì gây khó tiêu.

  1. Dinh dưỡng trong bệnh sỏi mật

4.1 Nguyên tắc dinh dưỡng

- Để tránh ứ đọng mật và nhiễm trùng đường mật, cần hạn chế các thức ăn gây táo bón (các thức ăn, nước uống có nhiều tanin), vì táo bón tạo cơ hội cho vi khuẩn đường ruột phát triển, dẫn đến viêm tá tràng, viêm túi mật và ống mật, làm cho mật dễ lắng đọng thành sỏi.

- Để tránh sỏi cholesterol xuất hiện, cần hạn chế các thức ăn có nhiều mỡ và cholesterol như phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng, cacao, chocolate...

4.2 Thực phẩm nên dùng và hạn chế dùng

Những thực phẩm nên ăn nhiều

- Nếu từng bị đau buốt, người bệnh nên uống nhiều nước, các loại nước ép, ăn những món ăn không có chất béo, những loại rau có nước như bầu, mướp, dưa leo, các loại trái cây như táo và nho, súp rau củ nấu loãng.

- Một số loại rau xanh, trái cây để tránh táo bón, đặc biệt có ích cho người bị sỏi mật là cà rốt, củ cải đường và lê.

- Chú ý cho thêm các loại gia vị như nghệ, gừng và tỏi vào những món ăn hàng ngày.

- Luôn cung cấp đủ nước cho cơ thể. Phần lớn những người bị đau do sỏi mật đều là những người uống ít nước, gây mất cân bằng chất kiềm. Do vậy, cần uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.

- Một số loại thực phẩm, chất dinh dưỡng khác cũng có công dụng hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị sỏi mật khá tốt như giá đỗ, thuốc viên bổ sung enzyme cho tuyến tuỵ, B-complex, vitamin B, cam thảo.

- Không nên dùng nước trà, caphê, cacao, gia vị.

- Giống như những căn bệnh khác, sự căng thẳng đóng vai trò quan trọng đối với bệnh sỏi mật. Vì vậy, nên giảm stress như ngồi thiền hoặc kỹ thuật thở. Ngoài ra, việc thường xuyên tập luyện thể dục, uống đủ nước cũng có tác dụng giúp đẩy mật ra khỏi túi mật để tiêu hoá chất béo dư thừa.

Những thực phẩm cần tránh

- Hầu hết các viên sỏi mật đều có cholesterol. Do vậy, điều quan trọng nhất là bạn phải hạn chế các nguồn cung cấp cholesterol. Ví dụ các phủ tạng, sữa, thịt, gia cầm…

- Tránh hoặc giảm bớt những thực phẩm có chứa nhiều chất a-xít như trà, cà phê, nước xốt thịt, những thức ăn được chế biến sẵn hoặc có chứa nhiều chất bảo quản.

- Không hoặc hạn chế hút thuốc lá. Đây là nguyên nhân làm đảo lộn sự cân bằng của lượng chất kiềm (acid alkali), gây ra tình trạng tập trung nhiều ion hy-drô trong túi mật.

- Tránh những thức ăn có quá nhiều chất béo hoặc đồ chiên xào.

4.3 Thực đơn tham khảo

Giờ ăn

Món ăn

7 giờ

- Phở thịt bò: bánh phở 150g, thịt bò 35g, hành lá 10g, nước dùng (muối 1g/100ml)

 

 

11 giờ

- Cơm gạo tẻ: 120g (gạo 60g), thịt lợn rang: thịt lợn nạc 50g, đậu phụ trần: đậu phụ 30g

- Cải thìa xào: rau cải thìa 200g, dầu ăn 7ml

- Canh mồng tơi: rau mồng tơi 50g

- Bưởi: 200g (3 múi)

15 giờ

- Sữa bột toàn phần: 26g (pha cốc 200ml)

 

 

18 giờ

- Cơm gạo tẻ: 120g (gạo 60g)

- Cá trắm rán xốt cà chua: cá trắm 70g, cà chua 30g, dầu ăn 10ml

- Trứng gà luộc: (½ quả trứng) trứng gà 25g

- Rau muống luộc: rau muống 200g, canh rau ngót: rau ngót 50g quýt: 120g (1 quả)

 

Giá trị dinh dưỡng

- Năng lượng: 1464Kcal

- Zn: 9,2(mg)

- Protein: 73,3(g)         

- Xơ: 11,3(g)

- Glucid: 200,3(g)        

- Natri: 1943(mg)

- Lipid: 41,0(g)

- Kali: 3097(mg)

- Canxi: 957(mg)         

- Cholesterol: 190(mg)

- Fe: 14,1(mg)

Ghi chú

- Muối ≤ 5g/ ngày

 

Bài viết được tổng hợp trình bày bởi Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới

Trên đây là những thông tin về dinh dưỡng điều trị trong các bệnh về mật mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hãy thường xuyên theo dõi Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới để cập nhật những tin tức có giá trị góp phần bảo vệ sức khỏe của bạn và những người thương yêu bên cạnh các bạn.

Mọi thông tin trên chỉ mang tính tham khảo, bạn có thể nhận tư vấn dinh dưỡng trực tiếp tại khoa Dinh Dưỡng, tầng 1 khu nhà 5 tầng.