Đau Mắt Đỏ - Phương Pháp Điều Trị Và Chăm Sóc

Đau mắt đỏ thực chất là bệnh viêm kết mạc cấp tính, có thể gặp ở mọi đối tượng: trẻ em, người trưởng thành, người già. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây trong cộng đồng và có khả năng gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người đã từng bị đau mắt đỏ vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Triệu chứng đau mắt đỏ rất khó chịu nhưng hiếm khi ảnh hưởng tới thị lực của người bệnh. Đỏ mắt là triệu chứng điển hình, báo hiệu bệnh đau mắt đỏ. Ngoài ra có một số biểu hiện thường gặp khác như sau:

  • Mắt bị ngứa ở một hoặc cả hai bên.
  • Cảm giác cộm, xốn, khó chịu. Khi dụi có cảm giác như trong mắt có sạn nhỏ. Thường hiểu nhầm bị bụi mắt.
  • Khô mắt
  • Chảy nhiều nước mắt, không kiểm soát được, với người nhạy cảm thì kèm theo cả chảy nước mũi, đối với đau mắt đỏ do dị ứng đây là triệu chứng thường thấy.
  • Đổ nhiều ghèn mắt, ghèn có màu vàng hoặc xanh. Dựa vào màu ghèn góp phần hỗ trợ bác sĩ tìm nguyên nhân gây đau mắt đỏ.
  • Mí mắt sưng tấy, đỏ hồng. Triệu chứng này phổ biến nhất ở những bệnh nhân bị đau mắt đỏ do vi rút. Hai mí mắt thường dính lại rất khó chịu không chỉ buổi sáng mà ngay cả ban ngày khi đang thức.
  • Nhạy cảm với ánh sáng. Bệnh càng nặng mức độ nhạy cảm với ánh sáng càng cao.

Cách điều trị đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ có thể theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh tuyệt đối không được tự ý điều trị theo các phương pháp truyền miệng, dân gian như nhỏ sữa mẹ, đắp hành củ, xông lá trầu,... Ngoài ra, khi chưa có chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng không nên tự mua thuốc điều trị vì có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

Đối với trường hợp cần phải sử dụng thuốc kê toa, bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ để chỉ định thuốc nhỏ mắt hay thuốc uống phù hợp. Cụ thể:

- Đau mắt đỏ do virus: Đau mắt đỏ do virus sẽ kéo dài 4 – 7 ngày rồi tự khỏi nhưng lại dễ lây lan. Trường hợp này, người bệnh không cần dùng kháng sinh vì thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với virus. Người bệnh chỉ cần rửa sạch mắt mỗi ngày.

- Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Nếu vi khuẩn là tác nhân gây đau mắt đỏ, cần uống thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ.

- Đau mắt do dị ứng: Thuốc kháng histamin (gồm thuốc uống hoặc thuốc nhỏ) có thể giúp giảm đau mắt đỏ do nguyên nhân này nhưng sẽ khiến mắt bị khô. Trường hợp này, người bệnh cần gặp bác sĩ khoa mắt để được chỉ dẫn cách điều trị thích hợp.

Để dễ dàng theo dõi diễn biến của bệnh, người bệnh nên tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ. Nếu khi sử dụng thuốc có phát hiện triệu chứng bất thường như sưng mắt hơn, đau hơn hay chảy máu thì người bệnh hoặc người nhà người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.

Một số biện pháp khác hỗ trợ quá trình điều trị

  • Chườm ấm hoặc lạnh nhằm giảm khó chịu mắt, sưng mi
  • Vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước nhỏ mắt, rửa tay thường xuyên với xà bông trước và sau khi đụng vào mắt và các vật dụng gần mắt
  • Tránh dùng chung ly, bát, khăn mặt… với người khác.
  • Tuyệt đối không dụi mắt để tránh làm tổn thương giác mạc, làm bệnh nặng nề hơn.
  • Uống nhiều nước để duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể
  • Riêng đối với bệnh đau mắt đỏ do dị ứng và bị tái diễn liên tục nên tìm ra nguyên nhân gây bệnh để triệt để hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.
  • Nên tránh đến những nơi đông người trong 1 tuần để hạn chế lây lan bệnh. Bệnh có khả năng lây qua đường tiếp xúc nên người bệnh cần được cách ly hợp lý và sử dụng khẩu trang y tế khi đi ra ngoài. 
  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày: chất đạm, chất xơ, chất béo, tinh bột để tăng cường hệ miễn dịch và tăng sức đề kháng cho mắt. Người bệnh nên tránh ăn uống quá kiêng khem để tránh cơ thể rơi vào suy nhược. Tích cực bổ sung nhóm thực phẩm có chất kháng viêm tự nhiên ví như các loại trái cây để bổ sung vitamin như cam, bưởi, chanh,... 
  • Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.
  • Trong thời gian bị bệnh tốt nhất nên tránh tối đa việc sử dụng các thiết bị điện tử.
  • Nên trang bị kính chắn bụi, gió,... để giảm thiểu việc tiếp xúc với các loại khói bụi dễ gây kích thích cho mắt. 
  • Không để nước bẩn dây vào mắt, tránh đi bơi khi bị bệnh.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân đau mắt đỏ

– Thực phẩm nên ăn:

Bệnh nhân đau mắt đỏ cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt nhóm thực phẩm nhiều vitamin tự nhiên như sau:

+ Các loại thực phẩm giàu vitamin A: Cá, khoai lang, bí ngô, rau có màu xanh đậm, cà chua,… Đây là nhóm thực phẩm vô cùng tốt cho mắt, tăng cường thị lực.
+ Các loại thực phẩm giàu vitamin C: Đu đủ, dâu tây, kiwi, cải xanh, xoài, ớt chuông,… có tác dụng hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm, tăng sức đề kháng cho cơ thể

+ Các loại thực phẩm giàu vitamin K: Trứng, cà rốt, dưa chuột, cần tây, xà lách, bông cải xanh,…
+ Các loại thực phẩm giàu vitamin B: Thịt gà, cá hồi, trứng, các loại hạt, các loại đậu,…

Bên cạnh đó, người bệnh cần bổ sung đủ nước mỗi ngày nhằm hạn chế tình trạng khô của mắt

– Thực phẩm nên KIÊNG ĂN:

+ Thực phẩm có mùi tanh nồng như tôm, cua, ốc, cá mè…

+ Thực phẩm có chứa chất kích thích như rượu bia, cà phê, nước uống có gas.

+ Thực phẩm nhiều đường, thực phẩm nhiều dầu mỡ, hàm lượng chất béo cao để tránh tình trạng viêm nặng nề hơn

+ Thực phẩm có tính nóng như ớt, tiêu để tránh gây chảy nước mắt.

+ Thực phẩm có tính nóng như thịt dê, thịt chó

Trường hợp bệnh lý dai dẳng, không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để điều chỉnh thuốc hay tư vấn, hướng dẫn phương pháp chữa trị bệnh đau mắt đỏ phù hợp hơn.