Phòng Chống Nhiễm Khuẩn Bệnh Viện

Nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế (gọi tắt là nhiễm khuẩn bệnh viện) là các nhiễm khuẩn xảy ra trong quá trình người bệnh được chăm sóc, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhiễm khuẩn bệnh viện là tình trạng nhiễm khuẩn do người bệnh mắc phải trong thời gian nằm điều trị tại bệnh viện mà vào thời điểm nhập viện không phát hiện thấy có yếu tố nhiễm khuẩn hay ủ bệnh nào có liên quan; chúng thường xuất hiện sau 48 đến 72 giờ kể từ khi người bệnh nhập viện và trong vòng 10 ngày sau khi bệnh nhân xuất viện.

Nhiễm khuẩn bệnh viện là hậu quả không mong muốn trong thực hành khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc người bệnh. Tất cả mọi bệnh nhân được can thiệp y tế đều có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện.

Các nhiễm khuẩn thường gặp ở bệnh viện: nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn cơ quan khác.

Đường lây truyền nhiễm khuẩn bệnh viện: Có 3 con đường lây nhiễm chính trong bệnh viện: lây qua đường tiếp xúc, đường giọt bắn, và không khí. 

- Lây qua đường tiếp xúc là đường lây nhiễm quan trọng và phổ biến nhất trong nhiễm khuẩn bệnh viện và được chia làm hai loại khác nhau là lây nhiễm qua đường tiếp xúc trực tiếp (tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân gây bệnh) và lây nhiễm qua tiếp xúc gián tiếp (tiếp xúc với vật trung gian chứa tác nhân gây bệnh). 

- Lây nhiễm qua đường giọt bắn: khi các tác nhân gây bệnh chứa trong các giọt nhỏ bắn ra khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện bắn vào kết mạc mắt, niêm mạc mũi, miệng của người tiếp xúc; các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có trong các giọt bắn có thể truyền bệnh từ người sang người trong một khoảng cách ngắn (5 μm, có khi 14 lên tới 30 μm hoặc lớn hơn). Một số tác nhân gây bệnh qua đường giọt bắn cũng có thể truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gián tiếp. 

- Lây qua đường không khí xảy ra do các giọt bắn li ti chứa tác nhân gây bệnh, có kích thước < 5μm. Các giọt bắn li ti phát sinh ra khi người bệnh ho hay hắt hơi, sau đó phát tán vào trong không khí và lưu chuyển đến một khoảng cách xa, trong một thời gian dài tùy thuộc vào các yếu tố môi trường. Những bệnh có khả năng lây truyền bằng đường không khí như lao phổi, sởi, thủy đậu, đậu mùa, cúm, quai bị hoặc cúm, SARS khi có làm thủ thuật tạo khí dung …

Nguồn lây nhiễm khuẩn bệnh viện:

- Từ môi trường: Các tác nhân gây bệnh có thể gặp trong môi trường như nấm, vi khuẩn hoặc các loại vi rút và các ký sinh trùng

- Từ người bệnh, người nhà, khách thăm: có thể do sự lây lan từ người bệnh này sang người bệnh khác trong thời gian nằm viện, cũng có thể có nguy cơ tù người nhà thăm nuôi người bệnh hoặc khách thăm vì họ có thể là những người đang nhiễm khuẩn (trong thời kỳ ủ bệnh hoặc người lành mang khuẩn).

- Từ hoạt động thăm khám và điều trị

  • Nguy cơ từ bàn tay NVYT bị nhiễm khuẩn
  • Nguy cơ từ thiết bị và dụng cụ sử dụng cho việc thăm khám, phẫu thuật
  • Không tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn khi thực hiện các phương pháp thủ thuật, phẫu thuật.
  • Nguy cơ từ việc sử dụng kháng sinh không hợp lý.

Nhóm đối tượng có nguy cơ bị nhiễm khuẩn bệnh viện như:  Người có hệ miễn dịch bị suy giảm, can thiệp thủ thuật, mổ xẻ… là đối tượng dễ mắc nhiễm khuẩn bệnh viện. Trẻ mắc bệnh nặng phải can thiệp nhiều, nguy cơ nhiễm khuẩn cũng tăng lên. 

Để phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện hiệu quả, người bệnh và người nhà chăm sóc nên:

  • Thực hiện đúng các quy định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về giờ thăm nuôi, tuân thủ đúng chế độ điều trị, cách ly, di chuyển hoặc ra viện theo quy định của bệnh viện nói chung và nội quy của khoa điều trị nói riêng.
  • Khách thăm bệnh nhân khi có triệu chứng mắc các bệnh nhiễm khuẩn nên hạn chế tới bệnh viện thăm người bệnh, tránh lây nhiễm bệnh cho người bệnh.

Một số nguyên tắc cơ bản về vệ sinh mà người bệnh và người nhà chăm sóc cần thực hiện nghiêm túc như sau:

1. Rửa tay: Rửa tay là biện pháp quan trọng nhất, ngăn ngừa lây lan vi sinh vật từ môi trường bên ngoài vào cơ thể, ngăn vi sinh vật từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác qua tay các bác sĩ, điều dưỡng.

Thường xuyên rửa tay khi tiếp xúc các đồ vật trong bệnh viện như bàn ghế, giường, tủ, cửa, toilet,… tránh đưa tay lên mặt, mắt mũi, miệng.

Một số thời điểm rửa tay như sau:

- Trước khi vào và sau khi ra khỏi phòng điều trị và bệnh viện.

- Trước và sau khi chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh.

- Sau khi sử dụng nhà vệ sinh.

2. Đeo khẩu trang: Tất cả mọi người thực hiện đeo khẩu trang (có thể mang áo choàng) theo hướng dẫn của bệnh viện và khoa điều trị.

Người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm bắt buộc đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác. Đồng thời người bệnh với sức đề kháng yếu nên đeo khẩu trang để tránh nhiễm thêm các loại vi sinh vật khác..

3. Cách ly: Khi bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện, trong trường hợp nghiêm trọng người bệnh cần cách ly theo hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh lây nhiễm cho người khác, hỗ trợ kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch.

4. Khác

- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn sạch, khăn giấy hoặc cùi chỏ và rửa tay ngay sau đó.

- Hạn chế tiếp xúc với các thiết bị trong bệnh viện như là song chắn giường, tủ, bàn, nắm cửa, điều khiển ti-vi... nếu không cần thiết.

- Vệ sinh lại vật dụng sau khi đã sử dụng trong bệnh viện.

- Bỏ rác đúng nơi quy định.