Kỹ Thuật Can Thiệp Qua Da Điều Trị Các Bệnh Lý Động Tĩnh Mạch Ngoại Biên Tại Khoa Ngoại Lồng Ngực

Mạch máu ngoại biên (mạch máu ngoại vi) là một phần của hệ thống tuần hoàn bao gồm các tĩnh mạch và động mạch nằm xa tim hoặc bụng, tức là các mạch máu đưa máu và chất dinh dưỡng đến các chi như tay, chân.

Bệnh mạch máu ngoại biên xảy ra khi thành mạch tại đây bị tổn thương, có những mảng xơ vữa hoặc huyết khối làm tắc nghẽn, cản trở quá trình vận chuyển máu giàu oxy đến các chi và có thể ảnh hưởng đến động mạch cung cấp máu cho vùng đầu. Thông thường bệnh mạch máu ngoại vi sẽ làm tổn thương tại động mạch ở vùng tiểu khung, chân và bàn chân.

Bệnh lý mạch máu ngoại biên là bệnh lý phổ biến và ngày càng gia tăng mạnh trong những thập niên gần đây. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh với biểu hiện đau, hoại tử chi, đoạn chi và thậm chí gây tử vong ở người lớn tuổi.

Điều trị bệnh lý mạch máu ngoại biên

Phẫu thuật bắc cầu mạch máu vẫn là phương pháp điều trị tiêu chuẩn để điều trị loại bệnh lý này. Tuy vậy, với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, can thiệp qua da điều trị bệnh lý mạch máu nói chung và mạch máu ngoại biên nói riêng đang có những bước tiến lớn, mang lại cơ hội cứu chi, giảm đau chân cho bệnh nhân với sự xâm lấn tối thiểu. Thủ thuật này thực sự là một bước đột phá trong điều trị bệnh mạch máu, đặc biệt cho những bệnh nhân lớn tuổi với nhiều bệnh kèm theo nặng không thể chịu cuộc mổ kéo dài dưới gây mê toàn thân,…

Kỹ thuật can thiệp qua da điều trị các bệnh lý mạch máu ngoại biên được thực hiện thường quy tại khoa Ngoại Lồng ngực bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới

Trường hợp 1: Can thiệp tĩnh mạch trung tâm

Bệnh nhân nữ 49 tuổi bị suy thận mạn giai đoạn cuối, đang chạy thận chu kỳ vào viện với phù nhiều, căng bóng toàn bộ tay phải, bàng hệ nổi rõ vùng ngực phải khoảng 1 tháng nay, lưu lượng chạy thận thấp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Qua thăm khám và hội chẩn của hai chuyên khoa Nội Thận – Tiết niệu và Ngoại Lồng Ngực, các bác sĩ xác định bệnh nhân có hẹp tĩnh mạch trung tâm bên phải.

Hẹp tĩnh mạch trung tâm là bệnh lý hay gặp ở bệnh nhân suy thận đang chạy thận chu kỳ, gây hẹp hệ thống mạch máu lớn đổ máu về tim, nằm sâu trong lồng ngực rất khó để can thiệp phẫu thuật sửa trực tiếp qua đường mổ thông thường. Đa số chọn lựa là phẫu thuật thắt bỏ cầu tay chạy thận hiện tại của bệnh nhân và lên phương án tạo mới một hệ thống ở tay mới. Tuy nhiên, phương án này mất thời gian và người bệnh phải trải qua thêm một cuộc mổ, chờ cầu trưởng thành.

Sau khi xác định chẩn đoán, các bác sĩ khoa Ngoại Lồng ngực đã lên phương án nong tĩnh mạch hẹp trên DSA qua da để điều trị cho người bệnh.

Hình ảnh chỗ hẹp sau nong bằng bóng lần một và lần hai

Hình ảnh bệnh nhân ngay sau can thiệp và ba ngày sau

Sau can thiệp cầu nối động tĩnh mạch rù mạnh, chạy thận lưu lượng cao hơn trước, tay bệnh nhân gần như trở về bình thường.

Trường hợp 2: Can thiệp động mạch đùi nông

Bệnh nhân nam 87 tuổi, tiền sử đặt stent mạch vành 3 năm trước, vào viện với triệu chứng đau nhiều cẳng bàn chân trái 1 tháng nay, đau cả lúc nghỉ ngơi, đau nhiều ngay cả khi đi lại sinh hoạt làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện động mạch đùi khoeo bên lành rõ, bên chân đau động mạch đùi rõ, động mạch khoeo không bắt được.

Kết quả chụp cắt lớp mạch máu (CTA) phát hiện hẹp tắc 1/3 dưới động mạch đùi nông trái. Bệnh nhân được tiến hành nong và chụp mạch chi dưới dưới DSA.

Sau can thiệp, chụp kiểm tra thấy động mạch đùi nông thông tốt, không hẹp tồn lưu và không bóc tách, kiểm tra mạch khoeo chân bắt rõ, bệnh nhân đỡ đau ngay sau can thiệp.

Trên đây là hai trường hợp điển hình cho can thiệp qua da điều trị các bệnh lý động mạch, tĩnh mạch ngoại biên được thực hiện thành công tại khoa Ngoại Lồng Ngực. Kỹ thuật can thiệp qua da điều trị bệnh lý mạch máu ngoại biên là phương pháp ít xâm lấn, tiến hành qua một lỗ chọc nhỏ qua da, thao tác qua dụng cụ dưới hướng dẫn của máy DSA, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong lúc can thiệp và có thể ăn uống, sinh hoạt ngay sau can thiệp.