Phòng Bệnh Cúm Mùa

Tác nhân gây bệnh cúm mùa là Virus Cúm A, B, C. Trong các virus cúm lưu hành hiện nay virus cúm A có nguy cơ cao nhất có tiềm năng gây thành đại dịch. 

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai.

Thời kỳ ủ bệnh điển hình của cúm mùa là từ 1 đến 4 ngày (trung bình là 2 ngày). Cần nghi ngờ cúm mùa ở những bệnh nhân có triệu chứng sốt đột ngột (trên 380C), ho, đau cơ khi đang sống ở những khu vực có cúm mùa lưu hành hoặc có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cúm. Ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác như khó chịu, mệt mỏi, đau họng, buồn nôn, nghẹt mũi và đau đầu. Triệu chứng tiêu hóa như nôn mửa và tiêu chảy xảy ra ở 10 - 20% trẻ em nhưng ít khi gặp ở người lớn.

Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cở sở y tế.

Đối với bệnh cúm thông thường có thể tự khỏi sau 5-7 ngày, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Thuốc kháng virus có thể được Bác sĩ chỉ định kê đơn điều trị tuy nhiên phải được sử dụng đúng thời điểm và phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Bộ Y tế khuyến cáo người dân nếu bị cúm mùa, chỉ được uống thuốc kháng virus nếu có chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc uống tại nhà.

TS.BS. Vũ Quốc Đạt - Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và CTGH, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ trong Hội thảo trực tuyến  “Sự trở lại của bệnh cúm sau đại dịch COVID-19 cho biết, trong thời gian dài, chúng ta bị nhẫm lần về thời điểm đỉnh dịch của mùa cúm. Theo các báo cáo số liệu giám sát hằng năm về bệnh này, dịch cúm mùa thường xuất hiện ở miền Bắc gây đỉnh dịch vào tháng 7,8, tức là hiện nay chúng ta đang trong đỉnh dịch cúm mùa, chứ không phải đỉnh dịch vào mùa Đông Xuân như các thông tin trước đó.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:

  1. Chủ động theo dõi sức khoẻ, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi,… đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
  2. Không tự ý dùng thuốc, cần tuân thủ đúng hướng dẫn của Bác sĩ điều trị.
  3. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, đeo khẩu trang khi có triệu chứng hô hấp, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
  4. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
  5. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
  6. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
  7. Vệ sinh, đảm bảo không gian sinh hoạt, học tập và phòng làm việc luôn thông thoáng; lau chùi các vật dụng bằng hóa chất diệt khuẩn;
  8. Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh định kỳ hàng năm.