Phụ Cấp Lương Người Lao Động Là Gì?

  1. Phụ cấp lương người lao động là gì?

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động (theo quy định tại Điều 13 Bộ luật lao động 2019). Trong đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Bộ luật lao động 2019, hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
  • Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
  • Công việc và địa điểm làm việc;
  • Thời hạn của hợp đồng lao động;
  • Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
  • Chế độ nâng bậc, nâng lương;
  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
  • Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
  • Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
  • Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Theo hướng dẫn tại Khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về nội dung của hợp đồng lao động,… thì phụ cấp lương theo thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động như sau:

  • Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;
  • Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Như vậy, có thể hiểu rằng, phụ cấp lương là khoản tiền mà người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau, được dùng để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

  1. Các khoản phụ cấp lương mà người lao động có thể nhận

Pháp luật về lao động chưa có quy định liệt kê các khoản phụ cấp lương mà người lao động có thể nhận. Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì phụ cấp lương người lao động có thể nhận bao gồm:

  • Phụ cấp chức vụ, chức danh;
  • Phụ cấp trách nhiệm;
  • Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
  • Phụ cấp thâm niên;
  • Phụ cấp khu vực;
  • Phụ cấp lưu động;
  • Phụ cấp thu hút;
  • Các phụ cấp có tính chất tương tự.

Không phải người lao động nào cũng sẽ được nhận đầy đủ những loại phụ cấp như trên, mà tùy theo tính chất, mức độ công việc ký kết, người lao động và người sử dụng lao động sẽ thỏa thuận về một hoặc một số loại phụ cấp sao cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Về mức phụ cấp lương, pháp luật không đặt ra quy định về mức phụ cấp lương cụ thể, mà mức phụ cấp lương sẽ do người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động tùy thuộc vào từng công việc, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và được thể hiện trong hợp đồng lao động.

Như vậy, phụ cấp lương khoản tiền được dùng để bù đắp cho người lao động về các yếu tố điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động. Đây là khoản tiền dựa trên sự thỏa thuận giữa hai bên, vì vậy người lao động cần nắm rõ những quy định này để bảo đảm quyền lợi của mình khi đàm phán ký kết hợp đồng lao động.