Tầm Soát Phát Hiện Đái Tháo Đường Và Tiền Đái Tháo Đường Ở Người Lớn Chưa Có Biểu Hiện Lâm Sàng

  1. Vì sao phải tầm soát đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường là bệnh lý mãn tính gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, và cắt cụt chi.

Theo Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF), năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người (trong độ tuổi 20-79) bị bệnh đái tháo đường, dự kiến sẽ đạt 578 triệu người vào năm 2030 và 700 triệu người vào năm 2045. Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường trong năm 2019.

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra STEPwise về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế thực hiện năm 2015, ở nhóm tuổi từ 18-69, cho thấy tỷ lệ đái tháo đường toàn quốc là 4,1%, tiền đái tháo đường là 3,6%, trong đó tỷ lệ đái tháo đường được chẩn đoán là 31,1%, tỷ lệ đái tháo đường chưa được chẩn đoán lên đến 69,9%. Đáng lưu ý, có tới 70% trường hợp đái tháo đường típ 2 có thể dự phòng hoặc làm chậm xuất hiện bệnh bằng tuân thủ lối sống lành mạnh (dinh dư ng hợp lý, luyện tập thể dục…)vì vậy việc tầm soát phát hiện sớm đái tháo đường và tiền đái tháo đường là hết sức cần thiết.

  1. Ai nên tầm soát đái tháo đường

Bộ Y Tế khuyến cáo tầm soát cho người lớn không có triệu chứng và biểu hiện lâm sàng như sau:

  1. Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau:

- Có người thân đời thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ) bị ĐTĐ

- Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch

- Tăng huyết áp

- Rối loạn lipid máu

- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang

- Ít hoạt động thể lực

- Các tình trạng lâm sàng khác liên quan với kháng insulin

  1. Phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ cần theo dõi lâu dài, xét nghiệm ít nhất mỗi 3 năm.
  2. Tất cả mọi người từ 45 tuổi trở lên
  3. Nếu các kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại trong vòng 1- 3 năm sau hoặc ngắn hơn tùy theo kết quả ban đầu và các yếu tố nguy cơ.
  4. Xét nghiệm nào dùng để tầm soát đái tháo đường

- Glucose máu đói (nhịn ăn ít nhất 8 tiếng và không quá 14 tiếng)

- HbA1c (không cần phải nhịn ăn)

Các xét nghiệm này cần sử dụng máu tĩnh mạch để chẩn đoán, không sử dụng máu mao mạch.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cuba Đồng Hới, khoa Nội tổng hợp lão khoa đã triển khai sàng lọc đái tháo đường và tiền đái tháo đường cho người có các yếu tố nguy cơ nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường, đái tháo đường từ đó được các bác sĩ chuyên khoatư vấn chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra.

Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn chẩn đoán đái tháo đường type 2 (Ban hành kèm theo Quyết định số 5481/QĐ-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2020)

                                                         Tác giả: ThS.BS. Trần Thị Hiền - Khoa nội Tổng hợp – Lão khoa