Tâm Tình Của Thầy Thuốc Cuba Tại Bệnh Viện

Đã có không ít bài viết ca ngợi về tay nghề cũng như y đức của những thầy thuốc Cuba, những người đã coi bệnh nhân Quảng Bình như người thân của mình, trên đây chỉ xin nêu một vài cảm xúc riêng của bạn để giúp mọi người hiểu thêm về bạn. 

Chuyên gia khoa ung bướu - Jesús de los Santos Renó Céspedes, khi được hỏi về điều mà bác sĩ nhận được sau mỗi ca khám bệnh là gì và bệnh nhân  nào làm ông nhớ nhất, ông đã trả lời với một cảm xúc lâng lâng: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể đóng góp nhiều hơn là nhận được, bởi vì chúng tôi muốn cải thiện các phương pháp lâm sàng một cách hoàn chỉnh dựa trên các ký hiệu học của quá trình khám lâm sàng cho bệnh nhân. Đa số các phương pháp điều trị cho bệnh nhân đều có cách tiếp cận không giống nhau mặc dù bệnh lý thì giống nhau, sở dĩ có sự khác nhau này là do bệnh nhân tự  mình đánh giá bệnh và tìm đến các cơ sở y tế khác lớn hơn như Huế, Sài Gòn, Hà Nội.  Đối với tôi không chỉ một mà tất cả bệnh nhân tôi từng điều trị đều để lại trong tôi hình ảnh họ rạng rỡ với nụ cười trên môi, mặc dù đó là những  giây phút cuối cùng của cuộc đời. Do đó, tôi rất ngưỡng mộ con người Việt Nam, đối mặt với cái chết, họ luôn mỉm cười và không bao giờ bỏ cuộc,  họ là những bệnh nhân dũng cảm.”

Ông cũng chia sẽ mong muốn hiện tại của mình là: “Chúng ta đang trong quá trình thành lập một Đơn vị Hóa trị liệu ung thư cho tất cả các loại ung thư. Hiện tại bệnh viện không sử dụng phương pháp xạ trị, vì vậy chúng ta cần một  phác đồ điều trị chuẩn mực phù hợp với các bệnh nhân mắc ung thư. Việc xây dựng và cập nhật các phác đồ điều trị cũng như sổ theo dõi bệnh nhân ung thư trong bệnh viện là hết sức cần thiết cho quá trình báo cáo, thảo luận với Bộ y tế, từ đó đưa ra những bước tiến cần thiết cho quá trình thực hành lâm sàng. Một khi đạt được điều đó, chúng ta sẽ có được một tổ chức, đơn vị chính quy của một nước đang phát triển, và như vậy sẽ dễ dàng xin được sự kiểm định cũng như kiểm duyệt từ các cơ sở nước ngoài.”

Sau tất cả  Việt Nam như quê hương thứ 2 của ông, đất nước với những con người của kỷ luật, trách nhiệm trong mọi nhiệm vụ được giao cùng với sự cởi mở, thân thiện và hòa đồng, và hơn hết đó là tình cảm biết ơn chân thành đối với Cuba. Còn trong công việc tại bệnh viện, kiến thức, sự hiểu biết của ông luôn được vận dụng vào chăm sóc y tế, cũng như giảng dạy và nghiên cứu, ông cảm nhận như được sống trong gia đình, trong một tổ chức tuyệt vời.

Chuyên gia nữ duy nhất Annet Ramos Plasencia – chuyên gia nhi khoa truyền nhiễm cho hay cô đã đến Việt Nam và làm việc tại bệnh viện 18 tháng, trong 18 tháng này để nói không có khó khăn thì không đúng, nhưng cô đã lấy khó khăn đó cùng sự yêu nghề, yêu các thiên thần, và hơn hết là tình yêu với Việt Nam để vượt qua tất cả, cố gắng đem đến sức khỏe cho nhiều bệnh nhi. Thông qua quá trình khám và điều trị, cô đã có thể củng cố và trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp cho mình.

“ Chúng tôi đã trao đổi kiến thức và thảo luận về phương pháp làm việc với kinh nghiệm của mình trong từng lĩnh vực, nhưng điều rất khác biệt với ở Cuba là việc lập hồ sơ bệnh án và sử dụng phương pháp lâm sàng trong quá trình thực hành y tế hằng ngày. Chính vì vậy, cùng với sự giúp đỡ của các bác sĩ và y tá, tôi đã luôn cố gắng chồng chéo hoặc kết hợp cả hai phương pháp Việt Nam – Cuba để cung cấp một dịch vụ chăm sóc tuyệt vời cho từng bệnh nhân” – theo chuyên gia Annet.     

Làm việc với GS-TS Piter Martínez Benítez – chuyên khoa tim mạch, ông chia sẽ: Lúc còn làm việc ở Cuba, ông đã được nghe nhiều về đất nước cũng như con người Việt Nam qua lời kể của bố, của đồng nghiệp, qua đó ông luôn háo hức được làm việc ở miền đất này, nhưng thời gian đầu khi đến Việt Nam, ông không khỏi bỡ ngỡ trước sự khác nhau của 2 nền văn hóa cũng như múi giờ hoàn toàn trái ngược, nhưng điều khiến ông ngạc nhiên hơn cả là sự tiếp đón nồng hậu, chu đáo và tận tình của ban lãnh đạo cùng đội ngũ cán bộ bệnh viện và người bệnh, tất cả họ đã giúp cho đoàn chuyên gia nhanh chóng ổn định cuộc sống và đi vào công tác khám chữa bệnh.

“ Bệnh nhân đầu tiên của tôi ở bệnh viện này là một phụ nữ nhập viện với tình trạng rất nặng do nhồi máu cơ tim cấp, tôi cùng đội ngũ y bác sĩ đã chăm sóc và ổn định được sức khỏe cho cô ấy. Nhiều tháng sau, cô ấy đã gửi cho tôi một bức thư cảm ơn mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn lưu giữ với tất cả tình cảm và sự vui mến.” – bác sĩ Piter tâm sự.

Bức thư chứa đựng biết bao nhiêu tình cảm chân thành của một bệnh nhân dành cho vị bác sĩ của mình, dù cho bất đồng ngôn ngữ, dù cho chưa gặp mặt trước đó bao giờ, nhưng ông đã dùng trái tim, dùng sự tận tâm của một người thầy thuốc để cảm hoá người bệnh, để dù khi đã xuất viện, họ vẫn nhớ mãi về ông với mộtcảm xúc chân thành nhất, và gọi ông bằng hai tiếng “con trai”.

Trên đây chỉ là trải lòng của 3 trong số 6 chuyên gia đang làm việc ở đây thôi, nhưng qua họ ta có thể thấy được tất cả các thầy thuốc Cuba ở Quảng Bình đều là những con người của trách nhiệm, của sự cống hiến và hy sinh, họ đều coi bệnh viện là ngôi nhà thứ 2 và Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình.

Bằng tất cả tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm và hơn hết là lòng tin của người bệnh đối với mình, cùng tình cảm hòa đồng của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam, các chuyên gia Cuba đã luôn cố gắng và sẽ nổ lực hơn nữa để đem lại một dịch vụ chăm sóc y tế tốt nhất cho bệnh nhân, vì sự phát triển không ngừng của bệnh viện mang tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em Việt Nam -  Cuba./.

 

Phan Lê Kiều Trang