Tạo Dựng Văn Hóa An Toàn Người Bệnh Tại Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba, Đồng Hới

Nguyên tắc hàng đầu của thực hành y khoa là “Điều đầu tiên không gây tổn hại cho người bệnh -First Do No Harm to patient” đang là điều trăn trở đối với người hành nghề khám chữa bệnh và đã có những sự kiện y tế gây tâm lý bất an cho cả người sử dụng và người cung cấp dịch vụ y tế. Mặc dù những sai sót và sự cố này không ai muốn và không ai chấp nhận những nó vẫn xảy ra hàng ngày. Vì vậy, đảm bảo an toàn cho người bệnh là trách nhiệm của các cơ sở y tế, các nhà quản lý và cũng là sứ mệnh của mọi thầy thuốc và mọi nhân viên y tế.

Trong những năm trở lại đây, An toàn người bệnh là một vấn đề chất lượng luôn được Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới chú trọng và đặt lên hàng đầu. An toàn người bệnh được triển khai gồm các nội dung:

XÁC ĐỊNH CHÍNH XÁC NGƯỜI BỆNH, TRÁNH NHẦM LẪN TRONG CUNG CẤP DỊCH VỤ.

- Sử dụng ít nhất 3 trong 5 yếu tố nhận dạng người bệnh như : họ tên đầy đủ, tuổi (ngày tuổi/ tháng tuổi/ hay tuổi theo năm), giới tính, địa chỉ và số hồ sơ. Lưu ý số giường và số phòng không phải là thông tin phù hợp để xác định đúng người bệnh.

- Sử dụng câu hỏi mở đối với người bệnh/ thân nhân bệnh nhân (trong trường hợp người bệnh không thể nói được, không tỉnh táo, em bé không thể cung cấp thông tin chính xác) để kiểm tra chính xác thông tin người bệnh.

- Sử dụng vòng đeo tay: Thông tin trên vòng đeo tay gồm: họ tên, địa chỉ, ngày sinh, cùng với số mã vạch.

CẢI THIỆN GIAO TIẾP, TRUYỀN ĐẠT THÔNG TIN HIỆU QUẢ

- Tăng cường tập huấn, rèn luyện kỹ năng giao tiếp giữa nhân viên y tế với người bệnh.

- Sử dụng các quy trình chuẩn (S.O.P), bảng kiểm.

- Giao tiếp giữa nhân viên y tế với nhau: hạn chế y lệnh miệng/y lệnh qua điện thoại. Chuẩn hóa danh mục các từ rút gọn, viết tắt.

ĐẢM BẢO AN TOÀN TRONG DÙNG THUỐC

- Bảo quản, cấp phát thuốc:  Đảm bảo đúng quy trình bảo quản cấp phát. Thuốc có nguy cơ gây hại cao và thuốc “nhìn giống nhau” hoặc “nghe giống nhau”

- Kê đơn: áp dụng theo đúng thông tư kê đơn TT 52/2017/TT – BYT.

- Thông tin thuốc: Thường xuyên kiểm tra thông tin, chất lượng, hạn sử dụng của thuốc.

- Theo dõi sai sót trong sử dụng thuốc: tích cực báo cáo ADR, ME về Khoa Dược

ĐẢM BẢO AN TOÀN TRONG PHẪU THUẬT, THỦ THUẬT

Đảm bảo: đúng người bệnh, đúng vị trí phẫu thuật và đúng loại phẫu thuật dự kiến thực hiện cho người bệnh.

Thực hiện bảng kiểm An toàn phẫu thuật.

  KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN BỆNH VIỆN

Toàn bộ nhân viên y tế phải tuân thủ vệ sinh tay, rửa tay đúng lúc và đúng cách.

- Cung cấp đủ các phương tiện cần thiết để bảo đảm vệ sinh tay và có sẵn dung dịch sát khuẩn để vệ sinh tay trên các bàn khám bệnh, các xe tiêm, xe làm thủ thuật, lối ra vào phòng bệnh.

- Dán các bảng hướng dẫn cách rửa tay tại các bồn rửa tay.

- Giám sát tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế và phản hồi với người phụ trách về việc thực hiện của nhân viên hoặc theo dõi số lượng cồn sát khuẩn tay.

- Tuân thủ các phòng ngừa cách ly để đảm bảo an toàn cho cả người bệnh và nhân viên y tế: thực hiện các thực hành về phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa lây nhiễm theo đường tiếp xúc, theo đường giọt bắn, theo không khí.

- Tuân thủ các qui định về vô khuẩn khi làm thủ thuật xâm lấn: dụng cụ y tế phải đảm bảo vô khuẩn cho tới khi sử dụng trên người bệnh, tuân thủ các kỹ thuật vô khuẩn trong khi tiến hành các thủ thuật xâm lấn, thực hiện đúng qui trình khử nhiễm, làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ y tế.

- Thực hiện các giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện: giám sát người bệnh nhiễm khuẩn, giám sát vi khuẩn kháng thuốc, giám sát sử dụng kháng sinh hợp lý.

GIẢM NGUY CƠ TÉ NGÃ TẠI BỆNH VIỆN

-  Đánh giá nguy cơ dẫn đến té ngã của từng người bệnh: liên quan đến tuổi, tình trạng bệnh, thuốc, phương pháp điều trị và có các hành động can thiệp hiệu quả khi nguy cơ được nhận diện.

- Triển khai chương trình kiểm tra chủ động, đánh giá các khu vực có nguy cơ té ngã trong bệnh viện để can thiệp và triển khai các biện pháp phòng ngừa té ngã chủ động như: lắp đặt chuông báo động tại giường, trong các nhà vệ sinh, lối ra vào, hạn chế việc mở cửa sổ, huấn luyện bệnh nhân và gia đình về phòng ngừa ngã khi vào viện, sử dụng giường thấp và có thanh chắn giường cho những người bệnh có nguy cơ ngã, có lối đi riêng, nhà vệ sinh riêng cho người có hạn chế vận động, người khiếm thị...

TẠO DỰNG VĂN HÓA AN TOÀN NGƯỜI BỆNH

Để AN TOÀN NGƯỜI BỆNH được thực hiện một cách hiệu quả và có chất lượng cần tạo dựng văn hóa  An toàn người bệnh cho nhân viên y tế. Với các nội dung được triển khai:

-Thay đổi nhận thức: Tập huấn nâng cao kỹ năng về ATNB, thái độ giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế.

-Khuyến khích: Báo cáo sự cố, phân tích giải quyết nguyên nhân gốc rễ. Sáng kiến cải tiến và các hình thức khen thưởng động viện kịp thời.

- Đa dạng kênh báo cáo: báo cáo qua phần mềm điện thoại, online, báo cáo giấy...

-Tăng cường kiểm tra giám sát.

- Đầu tư thêm nguồn lực: đào tạo nhân viên, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

Để mỗi người bệnh đến với Bệnh viện đều được giảm thiểu rủi ro, được an toàn cao nhất, mỗi nhân viên, mỗi khoa phòng tạo dựng cho mình văn hóa an toàn người bệnh, nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Tác giả: Lê Thị Thu Giang