Viên Chức Nghỉ Không Lương

  1. Viên chức nghỉ không lương

Điều 13 Luật Viên chức 2010 quy định về quyền nghỉ ngơi của viên chức. Theo đó, viên chức “được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.”

Như vậy, viên chức được phép nghỉ không lương. Tuy nhiên, để được nghỉ không lương, việc nghỉ đó của viên chức phải đảm bảo đủ 02 điều kiện sau:

  • Việc nghỉ có lý do chính đáng.
  • Việc nghỉ có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 13 Luật Viên chức 2010 thì viên chức “được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.” Căn cứ quy định tại Điều 115 Bộ luật lao động 2019, viên chức được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

Như vậy, đối với trường hợp khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn, viên chức không cần phải có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập mà chỉ cần thông báo với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

  1. Ngày nghỉ không lương của viên chức có tính vào thời gian tập sự của viên chức hay không?

Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức thì người được tuyển dụng vào viên chức phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng. Thời gian tập sự được quy định như sau:

  • 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học. Riêng đối với chức danh nghề nghiệp bác sĩ là 09 tháng;
  • 09 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng;
  • 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp.
  • Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự.

Trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi người được tuyển dụng vào viên chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự.

Có thể thấy, thời gian viên chức nghỉ không lương không được tính vào thời gian tập sự.

Như vậy, ngoài ngày nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, hay nghỉ việc riêng có hưởng lương, thì viên chức còn có thể nghỉ không lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc trong trường hợp khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tuy nhiên, số ngày viên chức nghỉ không hưởng lương sẽ không được tính vào thời gian tập sự của viên chức, vì vậy, viên chức cần phải xem xét việc xin nghỉ không hưởng lương sao cho phù hợp.