Y Học Cổ Truyền Điều Trị Liệt Dây Thần Kinh Vii Ngoại Biên

Theo Y học cổ truyền, bệnh thuộc chứng “khẩu nhãn oa tà” do phong hàn, phong nhiệt, huyết ứ xâm phạm vào lạc mạch của ba kinh dương ở mặt làm khí huyết kém điều hoà kinh cân thiếu dinh dưỡng không co lại được. Bệnh nhân thường có biểu hiện miệng méo, mắt bên liệt nhắm không kín.

1. Triệu chứng 

  • Bệnh xuất hiện đột ngột có thể xảy ra trong vòng vài giờ đến vài ngày với các triệu chứng:
  • Miệng méo, rớt nước (nước bọt, nước canh, nước uống) ở một bên miệng;
  • Mắt nhắm không kín, chảy nước mắt;
  • Một nửa bên mặt rối loạn cảm giác: giảm cảm giác, tê bì;
  • Giảm hoặc mất cảm giác vị giác;
  • Đau đầu, đau xung quanh hàm hoặc sau tai ở bên bị bệnh.

2. Nguyên nhân 

  • Nguyên nhân khác có thể xác định như: Chấn thương ở vùng xương đá (xương sọ), zona thần kinh, khối u trong não, nguyên nhân ở tai,…
  • Các trường hợp liệt VII ngoại biên không có nguyên nhân rõ ràng, một số quan điểm cho rằng liên quan đến thời tiết do lạnh
  • Một số khác cho rằng liên quan đến virus (cúm, herpes sinh dục,…) làm tổn thương dây thần kinh chi phối cơ mặt và gây ra liệt.

3. Chẩn đoán

  • Dựa vào các triệu chứng lâm sàng chẩn đoán liệt VII ngoại biên
  • Các xét nghiệm có thể được chỉ định để đánh giá mức độ và tìm nguyên nhân:
  • Điện thần kinh cơ: xác định mức độ nghiêm trọng của liệt VII ngoại biên.
  • Chụp MRI hoặc CT sọ não để loại trừ các nguyên nhân khác như khối u hoặc vỡ xương sọ.
  • Các xét nghiệm khác: chỉ định tùy từng trường hợp cụ thể.

4. Điều trị bằng Y học cổ truyền

  • Áp dụng điều trị ngay sau khi loại trừ các nguyên nhân cần phải can thiệp ngoại khoa.
  • Phương pháp điều trị tùy thuộc vào giai đoạn.
  • Điều trị ngoại trú không cần nằm viện.
  • Giai đoạn dưới 1 tháng: dù được điều trị đúng một số ít trường hợp vẫn có tiến triển nặng hơn (khoảng vài ngày đầu), đây là diễn biến bệnh, người bệnh không cần quá lo lắng.
  • Điện châm: ngày 1 lần, huyệt: toản trúc, dương bạch, ngư yêu, ty trúc không, đồng tử liêu, thừa khấp, nghinh hương, giáp xa, địa thương, hòa liêu, thừa tương, ế phong, hợp cốc, nội đình.

  • Xoa bóp bấm huyệt: ngày 1 lần, xát, miết, phân, hợp, véo, day, ấn.

  • Cứu ngải: ngày 1 lần, trung bình 15 phút/huyệt.

      Dùng thuốc cồ truyền

  • Thể phong hàn: tần giao, khương hoạt, thục địa, bạch thược, bạch chỉ, bạch linh, bạch truật, xuyên khung, ngưu tất, đương quy, hoàng cầm, đảng sâm, cam thảo, độc hoạt.
  • Thể phong nhiệt: Kim ngân hoa, bồ công anh, thổ phục linh, ké đầu ngựa, xuyên, ngưu tất, đan sâm.
  • Thể huyết ứ: đan sâm, xuyên khung ngưu tất, tô mộc, uất kim, chỉ xác, trần bì, hương phụ.
  • Phối hợp điều trị thuốc tân dược: Vitamin nhóm B thủy châm huyệt Phong môn (thời gian thủy châm theo chỉ định của thuốc).
  • Giai đoạn 1 - 3 tháng: dựa vào đáp ứng bệnh nhân để đưa ra chỉ định tiếp theo

      Cấy chỉ

  • Liệu trình 10-15 ngày 1 lần các huyệt: Toản trúc, dương bạch, ngư yêu, ty trúc không, đồng tử liêu, thừa khấp, nghinh hương, giáp xa, địa thương, hòa liêu, thừa tương, ế phong, hợp cốc, nội đình,….
  • Nếu triệu chứng chưa cải thiện, tiếp tục điều trị theo phác đồ giai đoạn đầu và thăm khám theo tuần để quyết định thời điểm ngưng hoặc chuyển phương pháp điều trị.
  • Giai đoạn 3-6 tháng: Cấy chỉ.
  • Giai đoạn trên 6 tháng: Điều trị có hiệu quả nhưng chậm hơn.

5. Chăm sóc

  • Giữ vệ sinh mắt: dùng chất làm trơn, nước mắt nhân tạo, nước muối sinh
  • lý, đeo kính râm, dùng băng dính che mắt tạm thời để tránh bụi, dị vật gây tổn thương mắt, hạn chế xem ti vi, làm việc bằng máy tính, để tránh khô mắt và hạn chế bội nhiễm mắt
  • Vệ sinh răng miệng: đặc biệt người cao tuổi và trẻ em, do không giữ được nước trong miệng nên lười chải răng, thức ăn ứ đọng bên má liệt…nên dễ bị viêm răng miệng, ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể gây chậm phục hồi bệnh nói chung,
  • Cần giải thích, động viên người bệnh an tâm để có sự phối hợp và tuân thủ điều trị của thầy thuốc, tỉ lệ lành bệnh sẽ cao hơn.
  • Cần giữ ấm mặt, sinh hoạt bằng nước ấm, kiêng lạnh, kiêng gió.
  • Tự tập qua gương như: nhắm mắt, huýt sáo, thổi lửa, ngậm chặt miệng, mỉm cười, nhăn trán, phát âm những từ có âm môi: B,P,U,I,..
  • Tự xoa bóp vùng mặt: Xoa bóp bấm huyệt vùng mặt là phương pháp quan trọng, mang lại hiệu quả điều trị mà người bệnh có thể tự thực hiện hàng ngày

6. Phòng bệnh

Phòng bệnh liệt mặt, khi rét tránh mở cửa đột ngột để gió lạnh tạt vào mặt. Vào mùa nóng khi ngủ không nên để quạt, máy điều hòa thổi thẳng vào mặt. Đối với những người làm việc và học tập ban đêm, không nên ngồi gần cửa sổ để tránh gió lùa. Người già ban đêm không nên ra ngoài. Ngoài ra, cần điều trị sớm và triệt để các nhiễm khuẩn tai, mũi, họng...

Tài liệu tham khảo: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội