Bệnh Thuỷ Đậu: Nguyên Nhân Gây Bệnh Và Cách Phòng Tránh

Bệnh thuỷ đậu có nhiều con đường lây nhiễm, có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không biết cách chăm sóc, điều trị và dự phòng chính xác. Do vậy cần có kiến thức về bệnh thuỷ đậu để có biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

1. Thuỷ đậu là gì?

Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi rút thuỷ đậu (tên khoa học varicella-zoster) gây ra. Người mắc bệnh sẽ phát ban, nổi mụn nước nhỏ có chứa đầy dịch, gây ngứa. 

Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng, có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. 

2. Thuỷ đậu có lây không?

Câu trả lời là có. Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm, lây truyền từ người sang người.

Những con đường lây lan bệnh thuỷ đậu có thể kể đến như sau:

  • Hô hấp: người lành hít phải vi rút thuỷ đậu tồn tại trong các giọt bắn li ti được người bệnh tiết ra qua đường hô hấp như ho khan, hắt xì, nói chuyện.
  • Tiếp xúc các vật trung gian: người lành tiếp xúc với dịch tiết, chất lỏng từ mụn nước của người bệnh. Bên cạnh đó, dùng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng,… cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.

Yếu tố thuận lợi: Mùa xuân, thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho bệnh thuỷ đậu xuất hiện và lây lan.

Vi rút varicella-zoster có thể lây cho những người xung quanh chỉ trong 1 – 2 ngày trước khi người bệnh xuất hiện mụn nước. Vi rút gây bệnh thủy đậu chỉ ngừng lây khi tất cả các mụn nước đã đóng vảy. các nhà khoa học đã nghiên cứu và nhận thấy hầu hết nguyên nhân gây bệnh thủy đậu là do tiếp xúc với người bệnh.

3. Triệu chứng bệnh thuỷ đậu:

Khi nhiễm bệnh, thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.

Thường sau 10 – 21 ngày tiếp xúc với vi rút thuỷ đậu, người bệnh có triệu chứng nổi mụn nước trên da niêm mạc, ngứa do nhiễm trùng, phát ban, ban mọc thành nhiều đợt cách nhau 3-4 ngày.

Mụn nước có kích thước từ l - 3mm đường kính, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.

 Bệnh thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 – 10 ngày. 

4. Đối tượng nào có nguy cơ nhiễm bệnh thuỷ đậu

Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh thuỷ đậu, trong đó trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 7 tuổi là đối tượng dễ nhiễm vi rút nhất. Riêng ở người lớn (trên 20 tuổi) thì tỷ lệ mắc bệnh thủy đậu ít hơn, khoảng 10% do đã có miễn dịch.

Người đã mắc bệnh thủy đậu thường có miễn dịch bền vững suốt đời, tuy nhiên cũng có khoảng 1% tái nhiễm. 

Một số người có thể bị thủy đậu nhiều hơn một lần trong đời, nhưng trường hợp này rất hiếm. Với những người đã tiêm vắc xin thủy đậu mà vẫn mắc bệnh thì các triệu chứng bệnh thường nhẹ hơn, ít mụn nước và nhẹ hoặc không sốt.

Nếu một người đã bị thủy đậu vẫn có nguy cơ bị một biến chứng khác của thuỷ đậu , đó là bệnh zona. Vi rút gây bệnh thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các tế bào thần kinh sau khi vết mụn nước nhiễm trùng trên da đã lành. Nhiều năm sau, nếu cơ thể lớn tuổi hoặc hệ miễn dịch suy yếu thì vi rút đó có thể tái hoạt động và tái phát thành bệnh zona – một đám mụn nước gây đau đớn trong thời gian ngắn. 
5. Điều trị bệnh thuỷ đậu:

Mặc dù là bệnh truyền nhiễm lành tính với người khỏe mạnh nhưng thủy đậu lại nguy hiểm với người có bệnh nền, trẻ em và phụ nữ mang thai. Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Người mắc bệnh thuỷ đậu được điều trị theo triệu chứng gặp phải.

- Hạ sốt: Nếu người bệnh sốt trên 38,5 độ

- Kháng Histamin: giảm triệu chứng ngứa, khó chịu nhằm hạn chế người bệnh gãi gây nhiễm trùng hoặc để lại sẹo.

- Kháng virus: Để hạn chế tiển triển nặng của bệnh. Thuốc kháng virus chủ yếu sử dụng cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch, phụ nữ có thai,… Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc để tránh tác dụng phụ không mong muốn.

- Kháng sinh: Người bị thủy đậu có dấu hiệu nhiễm trùng, các vết loét trên da bị sưng, đau và có mủ thì sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Tương tự như thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng khi có đơn kê của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng.

- Thuốc bôi sát trùng ngoài da: Mụn nước ở bệnh nhân thuỷ đậu có thể vỡ bất cứ lúc nào, nếu không được chăm sóc cẩn thận có thể dẫn đến nhiễm trùng, gây viêm và loét da. Do đó, để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, người bị thủy đậu có thể dùng thêm thuốc bôi/sát trùng ngoài da.

6. Biện pháp phòng bệnh thuỷ đậu

Thuỷ đậu hiện chưa có thuốc điều trị, nhưng có thể phòng bệnh bằng các biện pháp sau:

  • Cách ly người bệnh thuỷ đậu, hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn.
  • Không dùng chung đồ dùng với người bệnh thuỷ đậu.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
  • Người chăm sóc khi tiếp xúc với người bệnh cần mang khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh.

  • Tiêm vắc xin phòng bệnh thuỷ đậu là biện pháp phòng bệnh chủ động và có hiệu quả nhất