Không Hoàn Thành Nhiệm Vụ Xử Lý Thế Nào?

  1. Tiêu chí chung đánh giá, xếp loại viên chức

Điều 3 Nghị định 90/2020/NĐ-CP đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức quy định về tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Căn cứ vào đó, có thể thấy tiêu chí chung để đánh giá, xếp loại viên chức bao gồm:

  • Chính trị tư tưởng:
  • Chấp hành chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình;
  • Có quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên định lập trường; không dao động trước mọi khó khăn, thách thức;
  • Đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân;
  • Có ý thức nghiên cứu, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghị quyết, chỉ thị, quyết định và các văn bản của Đảng.
  • Đạo đức, lối sống:
  • Không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, hách dịch, cửa quyền; không có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa;
  • Có lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị;
  • Có tinh thần đoàn kết, xây dựng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong sạch, vững mạnh;
  • Không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.
  • Tác phong, lề lối làm việc:
  • Có trách nhiệm với công việc; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ;
  • Phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, đúng nguyên tắc;
  • Có tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;
  • Có thái độ đúng mực và phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, đáp ứng yêu cầu của văn hóa công vụ.
  • Ý thức tổ chức kỷ luật
  • Chấp hành sự phân công của tổ chức;
  • Thực hiện các quy định, quy chế, nội quy của đơn vị nơi công tác;
  • Thực hiện việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định;
  • Báo cáo đầy đủ, trung thực, cung cấp thông tin chính xác, khách quan về những nội dung liên quan đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và hoạt động của đơn vị với cấp trên khi được yêu cầu.
  • Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao
    • Đối với viên chức quản lý:
  • Quán triệt, thể chế hóa và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại đơn vị;
  • Duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; không để xảy ra các vụ, việc vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý, tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài; phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong phạm vi đơn vị;
  • Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; chỉ đạo, thực hiện công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức tại đơn vị;
  • Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của đơn vị được giao quản lý, phụ trách, trong đó xác định rõ kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể.
  • Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý:
  • Kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; khối lượng, tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ;
  • Thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp đối với những vị trí tiếp xúc trực tiếp hoặc trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
  1. Tiêu chí không hoàn thành nhiệm vụ

Theo quy định tại Điều 42 Luật Viên chức 2010, hàng năm, căn cứ vào nội dung đánh giá, viên chức được xếp loại như sau:

  • Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;
  • Hoàn thành tốt nhiệm vụ,
  • Hoàn thành nhiệm vụ;
  • Không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong đó, Điều 15 Nghị định 90/2020/NĐ-CP quy định, viên chức có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:

  • Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý:
    • Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền;
    • Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả;
    • Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.
  • Đối với viên chức quản lý:
    • Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền;
    • Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả;
    • Đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành dưới 50% các chỉ tiêu, nhiệm vụ.
    • Đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp liên quan đến tham ô, tham nhũng, lãng phí và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
  • Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.
  1. Không hoàn thành nhiệm vụ xử lý thế nào?

Theo quy định tại Điều 29 Luật Viên chức 2010 thì đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong một số trường hợp, trong đó có trường hợp “Viên chức có 02 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ.”

Như vậy, viên chức có 02 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.