Đảm Bảo An Toàn Và Giảm Thiểu Rủi Ro Trong Công Tác Quản Lý, Sử Dụng Trang Thiết Bị Y Tế
TỔNG QUAN
Trang thiết bị y tế (TTBYT) là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế, hỗ trợ tích cực cho người thầy thuốc trong chẩn đoán, điều trị bệnh nhân được chính xác, nhanh chóng, an toàn và hiệu quả góp phần thực hiện tốt vai trò chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Trong những năm qua, cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, Bệnh viện cũng đã đầu tư nhiều TTBYT để phục vụ cho công tác khám và chữa bệnh với danh mục tương đối lớn, đa dạng về chủng loại. Từ đó góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các hoạt động chuyên môn kỹ thuật, thúc đẩy phát triển, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, nâng cao uy tính thương hiệu cho bệnh viện.
Tuy nhiên, việc đầu tư và sử dụng TTBYT tại bệnh viện hiện còn tồn tại một số bất cập như: chưa sử dụng hết hiệu quả công suất thiết bị; Nhiều trang bị thiết bị mới nhưng công tác đào tạo quản lý, sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng chưa được chuyên sâu và kĩ càng; Công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ trang thiết bị cũng chưa được quan tâm đúng mức vì nhiều lí do như năng lực, nhân lực, tài chính... Do vậy, chất lượng thiết bị xuống cấp nhanh, tuổi thọ giảm và khiến các lỗi hỏng hóc cũng nghiêm trọng hơn, sửa chữa, thay thế tốn thời gian và kinh phí hơn, gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh. Từ tình hình thực tế đó, việc tăng cường quản lý chất lượng cũng như bảo đảm việc khai thác sử dụng TTBYT và cơ sở hạ tầng hiệu quả, là yêu cầu hết sức cấp thiết.
MỤC TIÊU
Bảo đảm chất lượng, an toàn và sử dụng hiệu quả TTBYT.
Nâng cao ý thức, kỹ năng trong công tác quản lý, sử dụng TTBYT. Hiểu rõ được những rủi ro tiềm ẩn và tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn đối với TTBYT.
NHỮNG NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ XẢY RA GÂY MẤT AN TOÀN TRONG SỬ DỤNG TTBYT TẠI BỆNH VIỆN
- Các ổ cắm điện tại khu nhà 5 tầng hiện nay hầu hết sử dụng loại 2 chân, không có chân tiếp địa. Điều này dẫn đến việc gây nhiễu tín hiệu cho các thiết bị chẩn đoán và có nguy cơ gây rò rỉ điện rất nguy hiểm cho người sử dụng và bệnh nhân.
Tại khu nhà 7 tầng mặc dù đã có hệ thống tiếp địa nhưng nhiều thiết bị sử dụng chuẩn dây nguồn 2 chân không đúng yêu cầu
2. Tình trạng để chuột vào cắn phá các thiết bị y tế gây hỏng hóc, chập nổ điện gây mất an toàn trong quá trình sử dụng và tốn nhiều kinh phí để sửa chửa.
- Hệ thống bảo vệ khi quá tải, ngắn mạch không làm việc gây hư hỏng, cháy nổ mất an toàn cho các thiết bị điện và gây nguy hiểm cho người sử dụng.
- Đối với những TTBYT dùng trên bệnh nhân liên quan đến nhiệt độ như lồng ấp sơ sinh, bồn tắm bé, giường hồi sức sau sinh rất dễ gây bỏng (ví dụ để mức nhiệt độ quá cao, tính năng cảnh báo nhiệt độ không làm việc hoặc người vận hành, sử dụng không chú ý).
- Những TTBYT liên quan đến bức xạ như máy CT Scanner, máy X-Quang kỹ thuật số, máy chụp mạch DSA, máy X-Quang di động, máy C-Arm... có thể gây phơi nhiễm phóng xạ cho người vận hành và người bệnh vì liều chiếu xạ bị vượt giới hạn cho phép vì lí do vận hành, do bản thân máy gặp sự cố, hoặc do yêu cầu an toàn đối với thiêt bị xạ trị không được đảm bảo
- Nhưng TTBYT chịu áp lực như nồi hấp, máy sấy, hệ thống oxy, khí nén trung tâm... có nguy cơ bị cháy, nổ, bị bỏng nếu vận hành không đúng quy trình hoặc do thiết bị quá cũ, hư hỏng nặng, không được sửa chữa kịp thời, chất lượng sửa chữa kém. Thậm chí có thể gây giật điện nếu thiết bị bị rò rỉ điện do hư hỏng mà người vận hành không chú ý.
GIÁI PHÁP
- Bảo đảm chất lượng, an toàn và sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế.
- Thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về đặc tính kỹ thuật, công dụng của TTBYTvà các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn có thể xảy ra cho cán bộ phụ trách ngay khi bàn giao đưa vào sử dụng.
- Tổ chức các buổi tập huấn, nâng cao kỹ năng về công tác quản lý, sử dụng TTBYT tại khoa phòng.
- Thực hiện công tác kiểm tra tình hình sử dụng, bảo quản TTBYT tại các khoa phòng định kỳ hàng tháng.
- Có kế hoạch và thực hiện kế hoạch về bảo dưỡng định kỳ trang thiết bị y tế nhằm tăng tuổi thọ và đảm bảo chất lượng sử dụng cho TTBYT.
- Đối với những TTBYT lớn và phức tạp, yêu cầu trình độ kỹ thuật cao thì phải làm hợp đồng bảo trì bảo dưỡng định kỳ hàng năm với các đơn vị cung cấp máy.
- Có kế hoạch kiểm định, hiệu chuẩn cho các TTBYT thuộc loại B,C và D được quy định tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP.
- Cử cán bộ, nhân viên phòng VTTB tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu về công tác bảo trì, bảo dưỡng TTBYT tại các hãng.
Tổng kết lại việc nâng cao ý thức, kỹ năng trong công tác quản lý, sử dụng TTBYT, hiểu rõ được những rủi ro tiềm ẩn và tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn đối với TTBYT là một vấn đề cần được quan tâm hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng bệnh viện, chất lượng của công tác y tế chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân