Ấm Lòng Câu Chuyện Người Bác Sĩ Tận Tâm Với Nghề Chữa Bệnh Cứu Người

Bài viết được viết bởi chính người nhà người bệnh Lê Minh Hoàng (bệnh nhân được cứu sống diệu kỳ trong câu chuyện)

Nghề y - Một nghề cao quý và đầy thiêng liêng. Đứng trước ranh giới sinh tử mong manh, không ai khác, chính người thầy thuốc đã dốc hết tài đức tận tâm giúp bệnh nhân giành giật sự sống. Và để ghi nhớ khoảnh khắc đặc biệt ấy, gia đình bệnh nhân vừa mổ não nặng muốn gửi lời tri ân sâu sắc đến Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Mận cùng đội ngũ y bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh, khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. 

Tinh thần làm việc đầy trách nhiệm

Có lẽ những ai đã đến khoa Ngoại Thần kinh bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cũng không thể quên được hình ảnh bác sĩ Nguyễn Văn Mận - một bác sĩ có thái độ nghiêm túc trong chăm sóc sức khỏe người bệnh, nhất là những bệnh nhân nặng. Ông luôn được bệnh nhân tin yêu và kính trọng bởi tài năng và đức độ của người thầy thuốc tận tâm với nghề.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Mận, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh

Những ngày chăm sóc bố ở khoa Ngoại Thần Kinh bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình), tôi mới thấy được hình ảnh “Lương y như từ mẫu” ở một bác sĩ thật đúng nghĩa!

Bố tôi sinh năm 1929 không may bị ngã chảy máu não, chúng tôi kịp thời đưa ông đến khoa Cấp cứu bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Khi vừa chuyển đến khoa Ngoại thần kinh, bác sĩ Mận đã lập tức cho chụp chiếu và làm đầy đủ các xét nghiệm. 

Khẩn trương và hết lòng vì bệnh nhân

Vừa có kết quả cận lâm sàng, bác sĩ liền trao đổi với gia đình chúng tôi rằng: “Ông rất nặng, nếu gia đình đồng ý tôi sẽ cho ông chuyển vào bệnh viện Trung ương Huế”. Khi nghe em trai nói vậy tôi lập tức lên khoa để xin gặp bác sĩ. 

Mặc dù hôm đó bác sĩ Mận kết thúc ca mổ khá muộn nhưng ông đã nhanh chóng hoàn thành thủ tục cho bố chỉ hơn 30 phút. Một sự xử lý nhanh chóng đã giúp bố vào Huế kịp thời để mổ trong đêm nếu không ông sẽ bị hôn mê. Nhờ vậy mà bố tôi đã được cứu sống. 

Sau thời gian điều trị ở bệnh viện Trung Ương Huế bố tôi dần bình phục. Nhưng khi sắp được ra viện thì bố tôi lại bị chảy máu não tiếp nên phải mổ não lần 2. 

Sau mổ lần hai, sức khỏe của bố rất yếu cộng thêm tuổi già và có nhiều bệnh nền nặng đan chéo nên tình trạng rất nặng khó lòng qua khỏi. Thấy vậy, gia đình quyết định xin cho ông về lại bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới để gần con cháu vào những ngày cuối đời. Và ở quê cũng đã sẵn sàng cho tang lễ của bố. 

Tận tình chăm sóc, cứu chữa cho bệnh nhân

Lúc về lại bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới gia đình tôi rất lo lắng. Chúng tôi tự hỏi, với tình trạng bố tôi bệnh nặng thế này liệu bệnh viện có nhận nữa hay không?!

Rất may khi vào khoa Cấp cứu, qua thăm khám, các bác sĩ đã thông báo rằng: “Khoa Ngoại Thần kinh đã đồng ý nhận bố chúng tôi”. Quả thực mấy anh em trong nhà mừng lắm! 

Khi bố được đưa vào khoa, tôi đã mạnh dạn đi tìm gặp bác sĩ Mận và trình bày nguyện vọng: “Gia đình bi
biết bệnh của bố rất nặng nhưng chúng tôi rất mong muốn tiếp tục được điều trị để bố sống thêm ngày nào tốt ngày đó và xin bác sĩ trực tiếp điều trị cho ông”. 

Khi đó tôi lại thêm một bất ngờ nữa đó là bác sĩ đồng ý với thái độ ôn tồn nhẹ nhàng: “Chị ạ, bệnh của ông rất nặng mặc dù tỷ lệ sống là vô cùng nhỏ nhưng vẫn có thể điều trị được”. Lúc này, tôi như mở cờ trong bụng, với sự động viên và thái độ của bác sĩ giúp gia đình tôi lại có thêm hy vọng. Tuy nhiên, những ngày trở lại nhập viện, bố tôi cứ sốt liên miên. Bác sĩ cho truyền kháng sinh mãi mà không hết sốt. 

Một hôm, bác sĩ Mận gọi gia đình lên trao đổi và đề nghị để bố mổ não tiếp lần ba. Bác sĩ nghi cái u ở trán của ông (do bị ngã) bị hoại tử và có một mảnh xương găm vào vết mổ cũ. Nếu là các em tôi, họ sẽ ngăn cản ca mổ bởi không muốn bố ra đi trong đau đớn. Nhưng lúc đó tôi khá bản lĩnh, quyết đoán và tự tay mình ký vào biên bản cam kết đồng ý mổ cho bố. 

Và rồi phép màu đã xảy ra… 

Chính bác sĩ Mận là người trực tiếp cầm dao mổ cho bố tôi. Thật bất ngờ, vài tiếng sau mổ, bố tôi tỉnh lại. Với sự kiên trì điều trị, bố tôi đã hết sốt, sức khỏe của ông dần tốt lên và được xuất viện trước Tết, điều mà gia đình không bao giờ nghĩ tới. 

Bệnh nhân 95 tuổi sau ba lần mổ não đã hồi phục diệu kỳ

Hiện nay, sức khỏe của bố tôi đã dần hồi phục. Ông đã tự ngồi dậy, tự bưng bát cơm để ăn. Đúng là một sự kỳ diệu, một kỳ tích của y học. Nếu không có tài năng và sự tận tâm của các bác sĩ, đặc biệt là của Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Mận thì bố tôi không thể vượt qua được cơn bạo bệnh lần này. 

Xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”

Là một trưởng khoa mẫu mực, bác sĩ Nguyễn Văn Mận không chỉ truyền năng lượng, nhiệt huyết cho tập thể nhân viên y tế toàn khoa mà ông còn giúp người bệnh và gia đình bệnh nhân có thêm niềm tin, hi vọng và sự an tâm khi tới khám và điều trị tại bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới. Bác sĩ Nguyễn Văn Mận thực sự là tấm gương sáng của ngành y. 

Tập thể khoa Ngoại Thần kinh

Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2024), gia đình chúng tôi xin gửi lời tri ân tới những người thầy thuốc - những “Chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. 

Xin gửi lời chúc sức khỏe đến bác sĩ Nguyễn Văn Mận, tập khoa Ngoại Thần kinh, khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực – chống độc, khoa Nội Tim mạch, toàn thể đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, toàn thể đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế cùng toàn thể cán bộ nhân viên ngành y. Chúc các y bác sĩ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công với sự nghiệp cứu người!