Nhồi Máu Cơ Tim Cấp Biến Chứng Ngừng Tuần Hoàn Được Cứu Sống Nhờ Sự Phối Hợp Chặt Chẽ Giữa Khoa Cấp Cứu – Đơn Vị Tim Mạch Can Thiệp Thuộc Khoa Nội Tim Mạch – Khoa Hồi Sức Tích Cực: Nhân Một Trường Hợp Lâm Sàng
NHỒI MÁU CƠ TIM CẤP BIẾN CHỨNG NGỪNG TUẦN HOÀN ĐƯỢC CỨU SỐNG NHỜ SỰ PHỐI HỢP CHẶT CHẼ GIỮA KHOA CẤP CỨU – ĐƠN VỊ TIM MẠCH CAN THIỆP THUỘC KHOA NỘI TIM MẠCH – KHOA HỒI SỨC TÍCH CỰC: NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP LÂM SÀNG
ThsBs Võ Xuân Trí
Khoa Nội TM, bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới
Nhồi máu cơ tim (NMCT) cấp nặng có tỷ lệ tử vong rất cao đặc biệt khi có biến chứng ngừng tuần hoàn (NTH). Để đạt được thành công cần phải được chẩn đoán và xử lý sớm, với dây chuyền cấp cứu hợp lý và kỹ năng của nhân viên y tế phải thành thạo kết hợp với trang thiết bị cần thiết.
Đơn vị tim mạch can thiệp thuộc khoa nội tim mạch được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 04/2016. Từ đó đến nay đơn vị đã tiến hành chụp và can thiệp mạch vành cho rất nhiều trường hợp, cứu sống được nhiều bệnh nhân nặng. Đặc biệt, với sự tham gia của khoa cấp cứu trong việc nhận bệnh và xử trí ban đầu; sự hỗ trợ của khoa hồi sức tích cực chăm sóc, theo dõi bệnh nhân đã cùng đơn vị chúng tôi cấp cứu thành công nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp biến chứng ngừng tuần hoàn. Trường hợp sau đây là một ví dụ điển hình.
Bệnh nhân Nguyễn Thị H. nữ 72 tuổi, địa chỉ Lộc Ninh, Đồng Hới, tiền sử nhồi máu cơ tim đã can thiệp đặt stent động mạch liên thất trước (LAD) năm 2017, suy giáp, rối loạn lipid máu,… uống thuốc theo đơn và tái khám thường xuyên
7h sáng ngày 9/9/2021, bệnh nhân cảm thấy mệt, tay chân lạnh, khó thở, vã mồ hôi. Người nhà đi làm về phát hiện bệnh nhân, đưa vào khoa cấp cứu lúc 9h cùng ngày. Tại đây, các bác sĩ khoa cấp cứu đã tiếp đón, xử trí ban đầu, đo điện tim phát hiện nhồi máu cơ tim có rối loạn nhịp nguy hiểm (block nhĩ thất độ 2) nên hội chẩn ngay với bác sĩ tim mạch can thiệp.
Hình 1: Điện tâm đồ lúc nhập viện
Lúc 9h30, bác sĩ TMCT đang khám thì bệnh nhân xuất hiện cơn nhanh thất, huyết áp không đo được, rối loạn ý thức. Rất nhanh chóng, bệnh nhân đã được sốc điện chuyển nhịp, ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản, thở máy. Sau khi giải thích kỹ tình trạng bệnh nhân cho người nhà, sự cần thiết phải chụp mạch vành xét can thiệp cấp cứu, được người nhà đồng ý chúng tôi chuyển nhanh bệnh nhân qua phòng tim mạch can thiệp.
Tại phòng can thiệp, các bác sĩ khoa hồi sức tích cực đã được mời hội chẩn để cài đặt máy thở và sẵn sàng phối hợp cấp cứu bệnh nhân.
Bệnh nhân đã được đặt máy tạo nhịp tạm thời, chụp mạch vành cấp cứu.
Hình 2: Kết quả chụp mạch vành: Tắc đoạn đầu động mạch vành phải (kèm hình ảnh điện cực tạo nhịp tạm thời trong buồng tim)
Xác định thủ phạm gây cơn nhồi máu cơ tim biến chứng ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân do tắc động mạch vành phải – một động mạch lớn nuôi quả tim, ekip can thiệp tim mạch đã tái thông và đặt 2 stent vào ĐMV phải cho bệnh nhân. Toàn bộ thủ thuật can thiệp diễn ra trong vòng 30 phút
Hình 3: Kết quả sau can thiệp: động mạch vành phải đã được tái thông
Sau can thiệp bệnh nhân đã được chuyển lên khoa hồi sức tích cực theo dõi và điều trị tiếp. 14h chiều cùng ngày bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, có thể giao tiếp nói chuyện với người nhà và nhân viên y tế
Sáng hôm sau (10/09), bệnh nhân được chuyển xuống khoa nội tim mạch điều trị. Một tuần sau bệnh nhân được xuất viện về nhà uống thuốc theo đơn, hẹn tái khám.
Như vậy, việc cấp cứu thành công trường hợp nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng ngừng tuần hoàn nhờ: chẩn đoán và cấp cứu nhanh, chính xác, kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn tốt, sự phối hợp nhịp nhàng của khoa cấp cứu – đơn vị tim mạch can thiệp thuộc khoa nội tim mạch – khoa hồi sức tích cực. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng chính là việc bệnh nhân đã được người nhà phát hiện, đưa vào viện sớm trong thời gian vàng của cơ tim (3-6h), khi được can thiệp sớm sẽ hạn chế di chứng tổn thương cơ tim sau nhồi máu cơ tim.
Trường hợp lâm sàng trên cũng nhắc nhở người dân có ý thức tự theo dõi sức khỏe, phát hiện triệu chứng sớm và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất có triển khai can thiệp tim mạch để kịp thời được cứu sống và hạn chế di chứng trên tim về sau