Tiêu Chuẩn Chuyển Bệnh Ra Khỏi Phòng Hậu Phẫu
Giai đoạn hồi tỉnh ngay sau mổ có thể nói là giai đoạn cực kỳ nguy cơ đối với người bệnh. Có rất nhiều loại biến chứng đáng sợ có thể gặp, thậm chí cả sau những thủ thuật tiểu phẫu và chúng có thể đe doạ tính mạng người bệnh ngay lập tức nếu không được phát hiện sớm. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra với các điều dưỡng, kĩ thuật viên của khoa Gây mê hồi sức là phải luôn nêu cao ý thức tự giác, chủ động, sát sao, chấp hành và thực hiện đúng quy chế chuyên môn để phòng ngừa và phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra; báo báo bác sĩ, phối hợp cùng các bác sĩ xử trí kịp thời, hiệu quả. Tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Ngay khi mổ xong, người bệnh được nhận định, kiểm tra, đánh giá, theo dõi…Nếu không có dấu hiệu chảy máu, mạch, huyết áp ổn định, thì bệnh nhân được chuyển từ phòng mổ sang phòng hậu phẫu (phòng hồi tỉnh).
Mục tiêu chăm sóc của phòng hậu phẫu là chăm sóc người bệnh cho đến khi hết thuốc mê, thuốc tê, các chỉ số sống ổn định, người bệnh không còn chảy máu, người bệnh định hướng được (trừ trường hợp về sọ não). Thường phòng hậu phẫu chỉ lưu người bệnh trong 24 giờ sau mổ, nếu sau thời gian này tình trạng bệnh trở nặng thì người bệnh sẽ được chuyển sang phòng hồi sức tích cực để điều trị và theo dõi tiếp.
Bệnh nhân hồi phục sau mổ chia thành 3 pha. Mỗi pha có những mức độ chăm sóc khác nhau:
Pha 1: Bệnh nhân cần chăm sóc tích cực về hô hấp, huyết động, cũng như kiểm soát đau, nôn và cân bằng dịch.
Pha 2: Bệnh nhân không cần theo dõi tích cực, chuyển khỏi phòng chăm sóc sau gây mê hoặc về nhà.
Pha 3: Kéo dài chăm sóc, có thể xảy ra với bệnh nhân đã hoàn thành pha 2, nhưng đang đợi để chuyển đến đơn vị khác trong bệnh viện.