Cường Tuyến Cận Giáp Thứ Phát Ở Bệnh Nhân Suy Thận Mạn
**Rối loạn chuyển hóa calci – phospho (cường tuyến cận giáp)** là một rối loạn thường gặp ở bệnh nhân suy thận mạn chạy thận nhân tạo làm giảm chất lượng sống tăng tỷ lệ tử vong. Vậy cường tuyến cận giáp là như thế nào và cần phải xử trí ra sao? Cường tuyến cận giáp là tình trạng cơ thể sản xuất ra quá nhiều hocmon tuyến cận giáp. Hocmon này giúp điều hoà lượng calcium và phosphor trong cơ thể. Ở bệnh nhân cường tuyến cận giáp , lượng hocmon dư thừa làm mất cân bằng calcium, phosphor và gây ra một loạt vấn đề về sức khoẻ. cường tuyến cận giáp ảnh hưởng đến răng, xương, hệ thần kinh, thận và các cơ. Điều trị cường tuyến cận giáp dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm thể cường tuyến cận giáp của bệnh nhân. Cường cận giáp thứ phát là bệnh lý xuất hiện từ giai đoạn sớm của quá trình suy thận, ba nguyên nhân chính dẫn đến cường cận giáp thứ phát ở bệnh nhân suy thận mạn là hạ calci máu, giảm vitamin D trong máu và ứ trệ phosphate máu. Cường cận giáp thứ phát là bệnh lý xuất hiện từ giai đoạn sớm của quá trình suy thận, ba nguyên nhân chính dẫn đến cường cận giáp thứ phát ở bệnh nhân suy thận mạn là hạ calci máu, giảm vitamin D trong máu và ứ trệ phosphate máu. |
|
Trong tiến trình suy thận, nồng độ Calci huyết thanh sẽ giảm dần, khi nồng độ calci giảm sẽ dẫn đến giảm tác dụng ức chế lên tế bào chính tuyến cận giáp, do đó tuyến cận giáp sẽ tăng tổng hợp hormon PTH. Bên cạnh đó, tăng phosphate máu có tác dụng kích thích trực tiếp tuyến cận giáp tăng tổng hợp PTH, và gián tiếp thông qua ức chế men 1-α-hydroxylase ở thận, dẫn đến giảm tổng hợp calcitriol, do đó giảm calci máu và tăng tiết PTH, hậu quả cuối cùng là tăng sản tuyến cận giáp.
Vậy cường tuyến cận giáp có những biểu hiện như thế nào?
Ở giai đoạn sớm, các triệu chứng thường rất nghèo nàn, giai đoạn muộn có thể gặp một số dấu hiệu như sau: ngứa da, đau xương, yếu cơ gốc chi, rạn xương, gãy xương, biến dạng lồng ngực, gù vẹo cột sống…
(hình ảnh lắng đọng calci dưới da)
Ngoài ra còn có các biểu hiện do lắng đọng calci ngoài xương như lắng đọng calci ở các cấu trúc tim mạch, đặc biệt là các van tim, vôi hóa mạch máu, lắng đọng calci dưới da… Những triệu chứng này gây rất nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.
Vậy để tránh gặp phải hoặc làm nặng thêm tình trạng cường tuyến cận giáp thứ phát, bệnh nhân suy thận mạn nên:
Thực hiện chế độ ăn nghèo phospho sớm ngay từ giai đoạn đầu của suy thận mạn tính, bổ sung calci nhằm dự phòng hạ calci máu, sử dụng thuốc gắp phospho (như calcium carbonate, renagel, fosrenol…).
Điều chỉnh calci trong dịch lọc của bệnh nhân thận nhân tạo.
Trong đó, việc ăn hạn chế phospho rất quan trọng và người bệnh có thể tự kiểm soát tại nhà. Lượng phospho bổ sung trong ngày giới hạn trong khoảng 800- 1000mg, phospho có nhiều trong các thực phẩm như sữa, sữa chua, phomai, đậu đỗ, hạt dẻ, bánh mì, ngũ cốc, nội tạng động vật, hải sản, đồ uống nhẹ (đặc biệt là coca cola)…
Nắm vững được vấn đề này, các bác sỹ tại khoa Nội thận- Tiết niệu bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới đã và đang xây dựng kế hoạch điều trị cho những bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ đã có biến chứng rối loạn Calci- Phospho máu bằng các cách như: tư vấn chế độ ăn, bổ sung calci đường uống hoặc tiêm (truyền), sử dụng quả lọc có hệ số siêu lọc cao… . Tới đây, khoa Nội thận – Tiết niệu cũng có kế hoạch triển khai kỹ thuật thẩm tách siêu lọc bù dịch trực tiếp từ dịch lọc (kỹ thuật HDF online), cùng với đó là triển khai sử dụng các loại quả lọc hấp phụ nhằm giảm nồng độ các chất sinh ra từ biến chứng của chạy thận nhân tạo; hai kỹ thuật này sẽ có được những hiệu quả đáng kể trong việc kiểm soát rối loạn Calci- Phospho cho người bệnh.
Tóm lại, rối loạn calci – phospho là một rối loạn trầm trọng ở bệnh nhân suy thận mạn chạy thận nhân tạo, cần phải được phát hiện và điều trị sớm nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.