Người Dân Cần Cẩn Trọng Với Sốt Xuất Huyết

Các triệu chứng khi người bệnh bị sốt xuất huyết thường không rõ ràng. Ở thể bệnh nhẹ, triệu chứng của người bệnh thường là sốt cao đột ngột 39-40 độ, sốt kéo dài và khó hạ. Ngoài ra còn có những triệu chứng khác nhau như đau đầu, đau hốc mắt dữ dội. Ở thể nặng, người bệnh có thể kèm theo các dấu hiệu xuất huyết như chấm đỏ ngoài da, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi cầu phân đen. Cũng có trường hợp kèm đau bụng, chân tay lạnh, người vật vã. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng được chuyển từ tuyến dưới tới điều trị tại bệnh viện

Người bệnh T.B.H (1952) thường trú tại xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đang điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Lâm sàng các bệnh nhiệt đới của bệnh viện. Sáu ngày trước, ông H bị sốt. Sốt kéo dài kèm tình trạng tiêu chảy, người trở nên mệt mỏi hơn ông mới đi khám. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy ông H bị sốt xuất huyết và tiểu cầu giảm mạnh, được bác sĩ chỉ định truyền tiểu cầu gấp.

Bệnh nhân T.B.H bị sốt xuất huyết gây giảm tiểu cầu cần truyền tiểu cầu gấp

Người bị sốt xuất huyết gây giảm tiểu cầu cần được truyền tiểu cầu gấp nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ và tính mạng. Tuy nhiên, tiểu cầu máy không dự trữ tại Ngân hàng máu của bệnh viện như máu toàn phần hoặc các chế phẩm máu khác, mà được lấy tách tiểu cầu trực tiếp từ người hiến để truyền cho bệnh nhân. Do vậy các trường hợp cần truyền tiểu cầu phải phụ thuộc vào nguồn máu phù hợp của người đến cho/hiến. Trường hợp người bệnh T.B.H cũng tương tự.

Để phòng chống dịch sốt xuất huyết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, người thân và cộng đồng.

Diệt lăng quăng, diệt muỗi, không cho muỗi đốt là phương pháp phòng bệnh chủ yếu hiện nay. Trong đó diệt lăng quăng là điều quan trọng nhất. Bất cứ nơi nào đọng nước trong một thời gian dài đều là nơi để muỗi sinh sản. 

Để phòng bệnh thì mỗi cá nhân, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng.

2. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến.

3. Cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,...

4. Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

5. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.

6. Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.
                                                                                                                           Lê Huyền