Điều Trị Bệnh Suy Giãn Tĩnh Mạch Chi Dưới

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thuyết, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là sự suy giảm khả năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới (chân), dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng lại, gây ra các biến đổi về huyết động và làm biến dạng các tổ chức mô xung quanh.

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chi dưới 

1. Giai đoạn đầu

Triệu chứng của bệnh thường mờ nhạt và thoáng qua, người bệnh có biểu hiện đau chân, nặng chân, đôi khi có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường.

2. Giai đoạn tiến triển

• Bệnh gây phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân.

• Vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày sẽ có biểu hiện loạn dưỡng.

• Các tĩnh mạch bị trương phồng lên gây ra cảm giác nặng, đau nhức chân kèm theo hiện tượng máu thoát ra ngoài mạch gây phù.

• Hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi, nặng hơn có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da một cách thường xuyên, các mảng bầm máu trên da,...

3. Giai đoạn biến chứng

• Viêm tĩnh mạch nông huyết khối (biến chứng của viêm tĩnh mạch nông huyết khối là thuyên tắc tĩnh mạch sâu đoạn gần, đoạn xa và thuyên tắc phổi)

• Chảy máu nặng do giãn vỡ tĩnh mạch

• Nhiễm khuẩn vết loét của suy tĩnh mạch mạn tính.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần tại bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới

Ngày 19/1/2022, các y bác sĩ khoa Ngoại Lồng ngực của bệnh viện đã triển khai kỹ thuật đốt sóng cao tần điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới cho người bệnh. Đến hiện tại, kỹ thuật này đã được thực hiện thường quy tại khoa và điều trị thành công cho rất nhiều ca bệnh bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

Đây là phương pháp dùng năng lượng sóng có tần số radio vừa đủ vào lòng tĩnh mạch để đóng chặt tĩnh mạch bị suy giãn. Ưu điểm của phương pháp này là ít xâm lấn, thời gian thủ thuật ngắn, ít đau, bệnh nhân có thể đứng dậy, đi lại ngay sau khi can thiệp, thời gian phục hồi nhanh, đảm bảo tính thẩm mỹ, không để lại sẹo.

Hình ảnh trước và sau điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới của người bệnh N.V.H (nam giới, sinh năm 1996, địa chỉ tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình)

Lê Huyền