Bản Tin An Toàn Người Bệnh Chủ Đề 1: Phòng Chống Nhiễm Khuẩn Từ Tay Nhân Viên Y Tế Đến Người Bệnh

​​Những điều cần biết:

Vệ sinh bàn tay là việc làm thường quy nhưng cũng là giải pháp hàng đầu trong kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rửa tay được coi là liều vắc xin tự chế, rất đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả về chi phí cũng như có thể cứu sống hàng triệu người. Đồng thời đưa ra khuyến cáo :

1. Rửa tay là biện pháp đơn giản nhất và cũng hiệu quả nhất trong kiểm soát nhiễm khuẩn, do đó cần tăng cường sự tuân thủ rửa tay.

2. Sát khuẩn tay bằng dung dịch chứa cồn là phương pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất trong kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

Mục đích: Làm sạch và loại bỏ vi khuẩn vãng lai trên da tay, đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và góp phần làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện.

Các thời điểm rửa tay:

1. Trước khi tiếp xúc người bệnh

2. Trước các thủ thuật sạch và vô trùng. 

3. Sau khi  tiếp xúc với dịch người bệnh.

4. Sau khi tiếp xúc người bệnh.

5. Sau khi tiếp xúc môi trường xung quanh người bệnh.

6 Bước rửa tay thường quy:

– Bước 1: Làm ướt 2 lòng bàn tay bằng nước. Lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào nhau.

– Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.

– Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay.

– Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.

– Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.

– Bước 6: Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.

* Chú ý:  Mỗi bước “chà” 5 lần. Thời gian rửa tay tối thiểu 30 giây.

Một số lưu ý khi triển khai:

- Toàn bộ nhân viên y tế phải tuân thủ vệ sinh tay, rửa tay đúng lúc và đúng cách.

- Mọi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải cung cấp đủ các phương tiện cần thiết để bảo đảm vệ sinh tay và có sẵn dung dịch sát khuẩn để vệ sinh tay trên các bàn khám bệnh, các xe tiêm, xe làm thủ thuật, lối ra vào phòng bệnh.

- Khuyến khích người bệnh, gia đình họ yêu cầu nhân viên y tế vệ sinh tay trước khi chăm sóc, làm thủ thuật cho người bệnh.

- Dán các bảng hướng dẫn cách rửa tay tại các bồn rửa tay.

- Giám sát tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế và phản hồi với người phụ trách về việc thực hiện của nhân viên hoặc theo dõi số lượng cồn sát khuẩn tay dùng cho mỗi 1.000 ngày điều trị.

- Thực hiện một chương trình về vệ sinh tay và làm cho các hoạt động vệ sinh tay trở thành một ưu tiên của cơ sở y tế.

- Tuân thủ các phòng ngừa cách ly trong các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho cả người bệnh và nhân viên y tế: thực hiện các thực hành về phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa lây nhiễm theo đường tiếp xúc, theo đường giọt bắn, theo không khí.

- Tuân thủ các qui định về vô khuẩn khi làm thủ thuật xâm lấn: dụng cụ y tế phải đảm bảo vô khuẩn cho tới khi sử dụng trên người bệnh, tuân thủ các kỹ thuật vô kh

uẩn trong khi tiến hành các thủ thuật xâm lấn, thực hiện đúng qui trình khử nhiễm, làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ y tế.

- Thực hiện các giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện: giám sát người bệnh nhiễm khuẩn, giám sát vi khuẩn kháng thuốc, giám sát sử dụng kháng sinh hợp lý.

Trích dẫn: Quyết định 3916/QĐ-BYT

Phòng Quản lý chất lượng