Bồi Thường Tai Nạn Lao Động

  1. Trường hợp bồi thường tai nạn lao động

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH, người lao động được bồi thường tai nạn lao động trong trường hợp người đó bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động này gây ra; trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.

Như vậy, người lao động sẽ không được bồi thường tai nạn lao động trong trường hợp người đó bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động, nếu nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn gây ra (căn cứ theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động).

  1. Nguyên tắc bồi thường tai nạn lao động

Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định về nguyên tắc bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

- Tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện bồi thường lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó;

- Việc bồi thường đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định sau:

+ Lần thứ nhất căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động (tỷ lệ tổn thương cơ thể) trong lần khám đầu;

+ Từ lần thứ hai trở đi căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch mức (%) suy giảm khả năng lao động so với kết quả giám định lần trước liền kề.

  1. Mức bồi thường tai nạn lao động

Theo Khoản 4 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 và Khoản 3 Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH thì mức bồi thường đối với người bị tai nạn lao động  thuộc trường hợp được bồi thường tai nạn lao động được tính như sau:

- Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH:

Tbt = 1,5 + {(a - 10) x 0,4}

Trong đó:

  • Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);
  • 1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;
  • a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động;
  • 0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.

Ví dụ: Anh Đinh Văn T bị tai nạn lao động (không hoàn toàn do lỗi của anh T gây ra), giám định sức khỏe lần thứ nhất xác định mức suy giảm khả năng lao động là 20%. Mức bồi thường lần thứ nhất cho anh T tính như sau:

Tbt = 1,5 + {(20 - 10) x 0,4} = 5,5 (tháng tiền lương).

Định kỳ, anh T giám định sức khỏe lần thứ hai thì mức suy giảm khả năng lao động được xác định là 40% (mức suy giảm khả năng lao động đã tăng hơn so với lần thứ nhất là 20%). Mức bồi thường lần thứ hai cho anh T là:

Tbt = 20 x 0,4 = 8,0 (tháng tiền lương).

Quyết định bồi thường của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động phải được hoàn tất trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được biên bản giám định của Hội đồng Giám định Y khoa về mức độ suy giảm khả năng lao động đối với những vụ tai nạn lao động nặng hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh hoặc cấp trung ương tổ chức cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động tại cơ sở đối với những vụ tai nạn lao động chết người.

Tiền bồi thường phải được thanh toán một lần cho người lao động hoặc thân nhân của họ, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày người sử dụng lao động ra quyết định bồi thường.

Như vậy, người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động  bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật về việc bồi thường tai nạn lao động. Đồng thời, người lao động cũng cần nắm rõ những quy định đó để đảm bảo quyền lợi của mình.