Lương Cơ Bản Là Gì?

  1. Lương cơ bản là gì? Cách tính mức lương cơ bản

Pháp luật không có quy định nào đề cập hoặc điều chỉnh về lương cơ bản. Tuy nhiên có thể hiểu rằng, lương cơ bản là mức lương tối thiểu mà người lao động có thể nhận được khi làm việc trong một cơ quan, tổ chức hay một doanh nghiệp nào đó. Mức lương cơ bản sẽ không có những khoản tiền thưởng, phụ cấp hay những khoản thu nhập bổ sung khác.

  • Cách tính mức lương cơ bản đối với nhóm người lao động là công chức, viên chức, cán bộ trong cơ quan Nhà nước

Nhóm người lao động là công chức, viên chức, cán bộ trong cơ quan Nhà nước bao gồm những đối tượng sau:

- Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện, cấp xã;

- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập;

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP.

- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trọ kinh phí hoạt động.

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân, công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.

- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Lương cơ bản của nhóm người lao động là công chức, viên chức, cán bộ trong cơ quan Nhà nước được tính dựa trên mức lương cơ sở và hệ số lương. Cụ thể:

Lương cơ bản = Mức lương cơ sở x Hệ số lương

Trong đó:

  • Mức lương cơ sở của năm 2021 là 1,490,000 đồng/tháng (theo Nghị quyết số 128/2020/QH14). Từ 01/7/2023 thì mức lương cơ sở sẽ tăng lên là 1,800,000 đồng/tháng (Ngày 11/11/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023).
  • Hệ số lương: Phụ thuộc vào từng ngành nghề, lĩnh vực, chức vụ. Theo quy định của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, hệ số lương cơ bản được chia như sau:
  • Hệ số lương cơ bản bậc Trung cấp: 1.86
  • Hệ số lương cơ bản bậc Cao đẳng: 2.10
  • Hệ số lương cơ bản bậc Đại học: 2.34

Hệ số lương cơ bản này sẽ được áp dụng với công chức, viên chức, cán bộ mới vào cơ quan Nhà nước. Con số này có thể thay đổi theo từng trình độ chuyên môn và cấp bậc khác nhau.

  • Cách tính mức lương cơ bản đối với nhóm người lao động trong doanh nghiệp

Khác với nhóm người lao động là công chức, viên chức, cán bộ trong cơ quan Nhà nước, lương cơ bản của người lao động sẽ dựa vào sự thỏa thuận trong hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động chứ không có quy định pháp luật cụ thể.  Tuy nhiên, người sử dụng lao động không được trả cho người lao động mức lương thấp hơn so với mức lương tối thiểu vùng do chính Chính phủ quy định hàng năm.

Theo Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng được quy định như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng

(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ

(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.680.000

22.500

Vùng II

4.160.000

20.000

Vùng III

3.640.000

17.500

Vùng IV

3.250.000

15.600

 

  1. Lương cơ bản có phải là lương được tính đóng bảo hiểm xã hội hay không?

Theo quy định tại Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (BHXH) thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện như sau:

  • Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định: tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
  • Đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn: tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.
  • Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.

Ngoài ra, những khoản bổ sung khác được xác định theo quy định tại Điểm a khoản 2, Điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH. Từ đó có thể thấy rằng, khoản tiền được tính để đóng bảo hiểm xã hội của người lao động ngoài tiền lương cơ bản thì còn những khoản khác như:

- Phụ cấp chức danh, chức vụ;

- Phụ cấp trách nhiệm;

- Phụ cấp độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm;

- Phụ cấp thâm niên;

- Phụ cấp khu vực;

- Phụ cấp lưu động;

- Phụ cấp thu hút;

- Phụ cấp có tính chất tương tự;

- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Như vậy có thể thấy rằng, lương cơ bản của nhóm người lao động là công chức, viên chức, cán bộ trong cơ quan Nhà nước được tính dựa trên mức lương cơ sở và hệ số lương. Còn đối với mức lương cơ bản của người lao động, tuy dựa vào ý chí thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng vẫn phải đáp ứng điều kiện không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mà chính phủ quy định. Vì vậy, người lao động phải nắm vững những quy định trên để bảo vệ quyền lợi về thu nhập của mình.