Nguyên Tắc Tuyển Dụng Viên Chức

  1. Viên chức là gì?

Theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức năm 2010 thì “viên chức” là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Trong đó:

- Vị trí việc làm: Là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng; là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (căn cứ Điều 7 Luật Viên chức).

- Đơn vị sự nghiệp công lập: Là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý Nhà nước (theo Điều 9 Luật Viên chức).

- Hợp đồng làm việc: là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên(theo Khoản 5 Điều 3 Luật Viên chức). Hiện nay, viên chức được ký một trong hai loại hợp đồng làm việc: Không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Luật Viên chức 2019, 02 loại hợp đồng này được quy định như sau:

  • Hợp đồng làm việc xác định thời hạn: Là hợp đồng hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian từ 12 - 60 tháng;
  • Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn: Là hợp đồng hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

Như vậy, những đối tượng đáp ứng các quy định nêu trên thì được gọi là viên chức.

  1. Căn cứ tuyển dụng viên chức

Theo quy định tại Điều 20 Luật viên chức 2010 và Điều 4, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, việc tuyển dụng viên chức phải được thực hiện dựa trên những căn cứ sau đây:

Thứ nhất, việc tuyển dụng phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ hai, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức xây dựng kế hoạch tuyển dụng, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức phê duyệt hoặc quyết định theo thẩm quyền để làm căn cứ tuyển dụng trước mỗi kỳ tuyển dụng. Nội dung kế hoạch tuyển dụng bao gồm:

- Số lượng người làm việc được giao và số lượng người làm việc chưa sử dụng của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức;

- Số lượng viên chức cần tuyển ở từng vị trí việc làm;

- Số lượng vị trí việc làm cần tuyển đối với người dân tộc thiểu số (nếu có), trong đó xác định rõ chỉ tiêu, cơ cấu dân tộc cần tuyển;

- Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển ở từng vị trí việc làm;

- Hình thức và nội dung thi tuyển hoặc xét tuyển;

- Các nội dung khác (nếu có).

  1. Nguyên tắc tuyển dụng viên chức

Theo quy định tại Điều 21 Luật Viên chức 2010, việc tuyển dụng viên chức phải tuân thủ 05 nguyên tắc sau:

(1) Bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đúng pháp luật.

(2) Bảo đảm tính cạnh tranh.

(3) Tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.

(4) Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

(5) Ưu tiên người có tài năng, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số.

Nguyên tắc ưu tiên trong tuyển dụng công chức được cụ thể hóa tại Điều 6 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ. Theo đó, đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển được quy định như sau:

- Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: Được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;

- Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: Được cộng 5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;

- Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong: Được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.

Trường hợp người dự thi tuyển hoặc dự xét tuyển thuộc nhiều diện ưu tiên thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm vòng 2.

Việc tuyển dụng viên chức là hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh dự tuyển, là việc tuyển chọn người xứng đáng nhất cho vị trí việc làm cần tuyển. Vì vậy, việc tuyển dụng viên chức cần phải được tiến hành đúng với nguyên tắc tuyển dụng mà pháp luật quy định.