Viên Chức Là Gì?

  1. Viên chức là gì?

Định nghĩa “viên chức” được quy định tại Điều 2 Luật Viên chức năm 2010. Theo đó, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Từ định nghĩa trên, có thể thấy viên chức bao gồm những đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, viên chức là công dân Việt Nam

Thứ hai, viên chức được tuyển dụng theo vị trí việc làm.

Căn cứ theo Điều 7 Luật Viên chức, vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng; là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, Điều 20 Luật Viên chức năm 2010 quy định cụ thể hơn về việc tuyển dụng viên chức như sau: “Việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập”.

Thứ ba, địa điểm công tác của viên chức là đơn vị sự nghiệp công lập.

Căn cứ theo Điều 9 Luật Viên chức, đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý Nhà nước. Đơn vị sự nghiệp công lập gồm:

  • Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ);
  • Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ).

Thứ tư, viên chức làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc.

Căn cứ theo Khoản 5 Điều 3 Luật Viên chức, hợp đồng làm việc là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Hiện nay, viên chức được ký một trong hai loại hợp đồng làm việc: Không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Luật Viên chức 2019, 02 loại hợp đồng này được quy định như sau:

  • Hợp đồng làm việc xác định thời hạn: Là hợp đồng hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian từ 12 - 60 tháng;
  • Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn: Là hợp đồng hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

Thứ năm, viên chức được hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo quy định của Luật Viên chức 2010, viên chức được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm việc trong ngành nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù.

Ngoài ra, viên chức còn được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập; được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, những đối tượng đáp ứng các đặc điểm nêu trên thì được gọi là viên chức.

  1. Phân loại viên chức

Việc phân loại viên chức được quy định tại Điều 3 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, quản lý và sử dụng viên chức. Cụ thể như sau:

  • Phân loại theo chức trách, nhiệm vụ, viên chức bao gồm:
  • Viên chức quản lý: là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý;
  • Viên chức không giữ chức vụ quản lý: là người chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.
  • Phân loại theo trình độ đào tạo, viên chức bao gồm:
  • Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ;
  • Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ;
  • Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo đại học;
  • Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo cao đẳng;
  • Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp.