Khái Quát Kỷ Luật Lao Động

  1. Kỷ luật lao động là gì

Điều 118 Bộ luật lao động năm 2012 đã quy định về khái niệm “kỷ luật lao động. Theo đó, kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh trong nội quy lao động.

Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Trật tự tại nơi làm việc; An toàn, vệ sinh lao động; Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động; Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động; Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động; Trách nhiệm vật chất; Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động. Như vậy, kỷ luật lao động tức là người lao động phải tuân theo những quy định kể trên trong trường hợp những quy định đó không trái với quy định của pháp luật.

Có thể thấy rằng, kỷ luật lao động là những quy định mang tính chất bắt buộc mà người lao động cũng như người sử dụng lao động phải tuân theo. Những quy định này là cơ sở để việc thực hiện công việc được đảm bảo một cách thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả,  cũng như đảm bảo trật tự tại nơi làm việc. Do đó, nếu người lao động vi phạm kỷ luật lao động, thì tùy thuộc theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm mà người lao động đó sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật lao động khác nhau.

  1. Nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động

Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật lao động 2012 thì việc xử lý kỷ luật lao động được thực hiện theo những nguyên tắc như sau:

-  Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

- Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

- Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

- Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

- Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

- Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

- Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

+ Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

+ Đang bị tạm giữ, tạm giam;

+ Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật Lao động;

+ Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

- Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

  1. Vi phạm trong việc xử lý kỷ luật lao động

Theo quy định tạo Điều 127 Bộ luật lao động 2019 thì khi xử lý kỷ luật lao động, không được có những hành vi sau:

- Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.

- Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

-  Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người sử dụng lao động khi xử lý kỷ luật người lao động đã có những hành vi vi phạm trên. Khi đó, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Điều 15 của Nghị định 95/2013/NĐ-CP có quy định về việc xử phạt khi vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không thông báo công khai hoặc không niêm yết nội quy lao động ở những nơi cần thiết trong doanh nghiệp.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

+ Không có nội quy lao động bằng văn bản khi sử dụng từ 10 lao động trở lên;

+ Không đăng ký nội quy lao động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;

+ Sử dụng nội quy lao động không được đăng ký hoặc đã đăng ký nhưng chưa có hiệu lực hoặc đã hết hiệu lực;

+ Xử lý kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại không đúng trình tự, thủ tục, thời hiệu theo quy định của pháp luật (được bổ sung bởi Nghị định số 88/2015/NĐ-CP).

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

+ Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động;

+ Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;

+ Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.

Ngoài việc bị xử phạt, người sử dụng lao động phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

- Buộc hoàn trả khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động đối với hành vi “dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động”.

- Buộc nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương cho người lao động tương ứng với những ngày nghỉ việc đối với hành vi “xử lý kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại không đúng trình tự, thủ tục, thời hiệu theo quy định của pháp luật” và hành vi “xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động”.

          Trên đây là những chia sẻ khái quát về kỷ luật lao động. Người lao động cần nắm rõ những kiến thức trên để đảm bảo quyền lợi của mình trong khi tham gia quan hệ lao động. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần tuân thủ đúng nội quy lao động để tránh bị xử lý kỷ luật lao động.