Kỹ Thuật Y
“Kỹ thuật viên” là một danh xưng được sử dụng để gọi chung một loại nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, “kỹ thuật y” cũng được phân ra thành nhiều phân hạng chức danh nghề nghiệp. Vậy cụ thể kỹ thuật y được chia làm bao nhiêu phân hạng chức danh nghề nghiệp? Đối với Kỹ thuật viên hạng IV thì đòi hỏi những tiêu chuẩn thế nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ngay sau đây.
- Kỹ thuật y được chia làm bao nhiêu phân hạng chức danh nghề nghiệp?
Nhóm chức danh kỹ thuật y được chia ra 3 phân hạng theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNV, bao gồm:
- Kỹ thuật y hạng II - Mã số: V.08.07.17
- Kỹ thuật y hạng III - Mã số: V.08.07.18
- Kỹ thuật y hạng IV - Mã số: V.08.07.19
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì Kỹ thuật y được phân thành 3 hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng với Hạng II, Hạng III và Hạng IV.
- Nhiệm vụ của Kỹ thuật y hạng IV
Nhiệm vụ của Kỹ thuật y hạng IV được quy định tại Điều 12 Thông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNV, bao gồm:
“a) Thực hiện chuyên môn kỹ thuật y:
Đón tiếp, chuẩn bị và giúp đỡ người bệnh trước, trong và sau khi tiến hành kỹ thuật y;
Đón tiếp, hướng dẫn cá nhân, tổ chức gửi/chuyển mẫu và thu nhận, bảo quản, vận chuyển mẫu cho kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, môi trường - nghề nghiệp;
Chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ, thuốc và hóa chất theo yêu cầu của từng kỹ thuật;
Thực hiện các quy trình kỹ thuật cơ bản trong chuyên khoa, phụ giúp hoặc phối hợp với viên chức chuyên môn thực hiện kỹ thuật chuyên sâu khi được giao;
Thực hiện chế độ kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn trong chuyên môn;
Ghi chép, theo dõi, thống kê các hoạt động chuyên môn theo quy định.
- b) Quản lý hoạt động chuyên môn:
Dự trù, lĩnh, định kỳ kiểm kê và báo cáo việc sử dụng trang thiết bị y tế, thuốc hóa chất, sinh phẩm theo quy định;
Sử dụng, bảo quản trang thiết bị y tế trong phạm vi quản lý; phát hiện, báo cáo và xử lý lỗi kỹ thuật đơn giản;
Tham gia kiểm tra, đánh giá công tác chuyên môn khi được giao.
- c) Phối hợp trong chẩn đoán và điều trị:
Thông báo kịp thời chỉ số, hình ảnh liên quan đến người bệnh cho bác sĩ điều trị;
Hỗ trợ, phối hợp với viên chức kỹ thuật y trong việc thực hiện kỹ thuật chuyên môn được giao.
- d) Bảo vệ quyền lợi của người bệnh, cá nhân/tổ chức gửi mẫu xét nghiệm:
Bảo đảm phục vụ kịp thời chính xác, khách quan và trung thực;
Bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác;
Thực hiện quyền của người bệnh, cá nhân/tổ chức gửi mẫu xét nghiệm theo quy định của pháp luật;
Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh.
đ) Tư vấn, giáo dục sức khỏe:
Tham gia hướng dẫn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh và cộng đồng trong phạm vi được giao;
Tham gia phòng chống dịch và thảm họa khi có yêu cầu.
- e) Đào tạo, nghiên cứu khoa học:
Tham gia hướng dẫn thực hành cho học sinh, sinh viên, viên chức kỹ thuật y khi được giao;
Tham gia nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật;
Tham gia áp dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và bằng chứng y học trong thực hành kỹ thuật y.”
- Tiêu chuẩn của Kỹ thuật y Hạng IV
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chức danh Kỹ thuật y hạng IV có yêu cầu về tiêu chuẩn theo các tiêu chí sau: Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Các tiêu chuẩn đó được cụ thể như sau:
- Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của Kỹ thuật y hạng IV được quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNV về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp chung, bao gồm:
+ Tận tụy phục vụ sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
+ Hiểu biết và thực hiện đúng quy tắc ứng xử của viên chức ngành y tế.
+ Thực hành nghề nghiệp theo đúng quy chế, quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật và các quy định khác của pháp luật.
+ Không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
+ Tôn trọng quyền của người bệnh, tôn trọng phụ nữ, quyền con người;
+ Trung thực, khách quan, công bằng, trách nhiệm, đoàn kết, tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp trong thực hành nghề nghiệp.
- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và bồi dưỡng của Kỹ thuật y hạng IV được quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNV (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 15 Điều 3 Thông tư 03/2022/TT-BYT), bao gồm:
+ Tốt nghiệp cao đẳng Kỹ thuật y học, cao đẳng Kỹ thuật phục hình răng.
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kỹ thuật y hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh kỹ thuật y).
- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của Kỹ thuật y hạng IV được quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNV, bao gồm:
+ Hiểu biết quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;
+ Có năng lực thực hiện thành thạo quy trình kỹ thuật cơ bản thuộc lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm;
+ Có năng lực sử dụng và bảo quản trang thiết bị phục vụ chuyên môn;
+ Có kỹ năng giao tiếp với đối tượng phục vụ và đồng nghiệp.
Như vậy, kỹ thuật y được phân thành 3 hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng với Kỹ thuật y Hạng II, Kỹ thuật y Hạng III và Kỹ thuật y Hạng IV. Với phân hạng kỹ thuật y thì đều đòi hỏi những nhiệm vụ, tiêu chuẩn tương ứng.