Viên Chức Sử Dụng Bằng Giả Để Thi Tuyển

  1. Điều kiện đăng ký dự tuyển thi tuyển

Theo quy định tại Điều 22 Luật Viên chức 2010 và Điều 5 Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và  quản lý viên chức, người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển viên chức:

  • Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;
  • Từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật;
  • Có đơn đăng ký dự tuyển;
  • Có lý lịch rõ ràng;
  • Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;
  • Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;
  • Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức xác định nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo.

Như vậy, đối tượng thi tuyển viên chức phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm. Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo kết quả trúng tuyển viên chức, người trúng tuyển viên chức phải đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng để hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng, trong đó có bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển, chứng nhận đối tượng ưu tiên (nếu có).

  1. Viên chức sử dụng bằng giả để thi tuyển thì xử lý kỷ luật như thế nào?

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm;
  • Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định này;
  • Viên chức quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này;
  • Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
  • Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có xác nhận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, viên chức sử dụng bằng giả để thi tuyển thì sẽ bị đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.

  1. Viên chức sử dụng bằng giả để thi tuyển thì xử lý hình sự như thế nào?

Theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức thì:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

…”

Như vậy, viên chức có hành vi sử dụng văn bằng giả để thi tuyển viên chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định đã được nêu trên.

Sử dụng bằng giả là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Vì vậy khi phát hiện viên chức có hành vi sử dụng văn bằng giả để thi tuyển viên chức thì bên cạnh việc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, viên chức còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.