Miễn Nhiệm Viên Chức Quản Lý

  1. Viên chức quản lý là gì?

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập (theo Điều 2 Luật Viên chức 2010). Trong đó:

- Vị trí việc làm: Là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng; là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (theo Điều 7 Luật Viên chức).

- Đơn vị sự nghiệp công lập: Là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý Nhà nước (theo Điều 9 Luật Viên chức).

- Hợp đồng làm việc: Là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên (theo Khoản 5 Điều 3 Luật Viên chức).

Phân loại viên chức theo chức trách, nhiệm vụ thì viên chức bao gồm viên chức quản lý và viên chức không giữ chức vụ quản lý. Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, quản lý và sử dụng viên chức thì

  • Viên chức quản lý: là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý;
  • Viên chức không giữ chức vụ quản lý: là người chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.
  1. Trường hợp miễn nhiệm viên chức quản lý

Miễn nhiệm viên chức quản lý là việc buộc viên chức giữ chức vụ quản lý thôi giữ chức vụ quản lý khi chưa hết thời hạn giữ chức vụ. Theo Khoản 1 Điều 55 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì việc xem xét miễn nhiệm đối với viên chức quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;

- Bị xử lý kỷ luật chưa đến mức cách chức nhưng do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế;

- Bị xử lý kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo hai lần trong cùng một thời hạn bổ nhiệm;

- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ;

- Các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật.

Như vậy, việc miễn nhiệm chỉ xảy ra đối với viên chức quản lý chứ không thể xảy ra đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý.

  1. Hồ sơ, quy trình xem xét miễn nhiệm viên chức quản lý

Hồ sơ xem xét miễn nhiệm viên chức quản lý thực hiện như quy định tại khoản 5 Điều 54 Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Cụ thể, hồ sơ xem xét bao gồm:

- Tờ trình của bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ;

- Các văn bản có liên quan: Quyết định, văn bản kết luận, ý kiến của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, đơn đề nghị của viên chức;

- Biên bản hội nghị và biên bản kiểm phiếu.

Quy trình xem xét miễn nhiệm viên chức quản lý được quy định tại Khoản 2 Điều 55 Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

- Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm đối với viên chức quản lý theo các trường hợp luật quy định, người đứng cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức hoặc bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ đề xuất với cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ;

- Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất việc miễn nhiệm, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phải thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín. Việc quyết định miễn nhiệm đối với viên chức phải được trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý; trường hợp đạt tỷ lệ 50% thì do người đứng đầu quyết định.

Sau khi viên chức quản lý bị miễn nhiệm, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải bố trí công tác phù hợp cho viên chức, khi đó viên chức có trách nhiệm chấp hành quyết định phân công của cấp có thẩm quyền. Trường hợp viên chức bị miễn nhiệm do xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tiếp thì đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền cho thôi việc theo quy định của pháp luật.

Viên chức quản lý bị miễn nhiệm không được hưởng phụ cấp chức vụ kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm. Sau khi miễn nhiệm nếu viên chức tự nguyện xin nghỉ hưu, nghỉ việc thì được giải quyết theo quy định hiện hành.

Như vậy, các trường hợp viên chức quản lý bị xem xét áp dụng miễn nhiễm đã được quy định cụ thể theo pháp luật. Vì vậy, viên chức quản lý cần nắm rõ những quy định này để đảm bảo quyền lợi của mình không bị xâm phạm trái pháp luật.