Người Lao Động Có Hưởng Phụ Cấp Thâm Niên Hay Không?

  1. Phụ cấp thâm niên?

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về khái niệm “thâm niên” và “phụ cấp thâm niên”. Tuy nhiên, có thể hiểu “thâm niên” là khoảng thời gian (tính theo đơn vị năm) làm việc liên tục trong một cơ quan nhà nước, đơn vị trong một ngành, nghề nào đó.

Trên cơ sở đó, có thể hiểu “phụ cấp thâm niên” là khoản phụ cấp lương được trả cho người lao động làm việc liên tục nhiều năm tại một cơ quan, đơn vị nhất định. Khoản phụ cấp này mang ý nghĩa khuyến khích người lao động gắn bó với nghề, với cơ quan đang làm việc.

  1. Đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên

Pháp luật có quy định cụ thể về cách xác định phụ cấp thâm niên đối với một số đối tượng. Cụ thể như sau:

  • Phụ cấp thâm niên đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được quy định cụ thể tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP hướng dẫn bởi Thông tư 04/2005/TT-BNV:
    • Cán bộ, công chức, viên chức quy định tại điểm 1 Mục I Thông tư 04/2005/TT-BNV, nếu đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, viên chức (sau đây viết tắt là ngạch); trong chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát (sau đây viết tắt là chức danh) hiện giữ, thì được xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung khi có đủ điều kiện thời gian giữ bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và đạt đủ tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung.

Cán bộ, công chức, viên chức đó bao gồm:

  • Cán bộ, công chức, viên chức xếp l­ương theo các bảng l­ương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ làm việc trong các cơ quan nhà nước từ Trung ­ương đến xã, phường, thị trấn và trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, gồm:

 

  • Cán bộ bầu cử trong các cơ quan nhà nước từ Trung ­ương đến quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thuộc diện xếp l­ương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo

 

  • Cán bộ, công chức, viên chức xếp l­ương theo bảng l­ương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ (bao gồm cả các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát và các chức danh lãnh đạo bổ nhiệm) làm việc trong các cơ quan nhà nước và trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;

 

  • Công chức ở xã, phường, thị trấn.

 

  • Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và xếp l­ương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các hội, các tổ chức phi chính phủ, các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.
    • Phụ cấp thâm niên nghề áp dụng đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu và cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành: hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm.
  • Phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo quy định tại Nghị định 54/2011/NĐ-CP và được hướng dẫn theo Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH được sửa đổi bởi Khoản 1, 2 Điều 1 Thông tư liên tịch 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH.

Theo đó, nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên. Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, dự trữ quốc gia, kiểm tra Đảng; thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an, cơ yếu và thời gian làm việc được tính hưởng thâm niên ở ngành, nghề khác (nếu có).

  1. Người lao động có hưởng phụ cấp thâm niên hay không?

Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật lao động 2019 thì tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Tuy Bộ luật lao động năm 2019 chưa có quy định cụ thể về phụ cấp thâm niên, nhưng đối chiếu với quy định trên, có thể thấy phụ cấp thâm niên cũng được đánh giá là phụ cấp lương. Việc xác định phụ cấp thâm niên được thực hiện theo tinh thần quy định tại Điều 103 Bộ luật lao động năm 2019, rằng “Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.”

Như vậy, không phải bất kỳ người lao động nào cũng được nhận phụ cấp thâm niên, mà điều này phụ thuộc vào năng lực tài chính cũng như chế độ phúc lợi của từng người sử dụng lao động. Chế độ phụ cấp thâm niên đối với người lao động sẽ được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.