Những Điều Cần Biết Về Can Thiệp Động Mạch Vành

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CAN THIỆP ĐỘNG MẠCH VÀNH

Bệnh mạch vành còn được gọi là thiếu máu cục bộ cơ tim được xếp vào nhóm bệnh lý có nguy cơ gây tử vong hàng đầu Việt Nam cũng như toàn thế giới. Đây là bệnh lý của sự mất cân bằng giữa cung – cầu oxy cơ tim do tưới máu không đủ, dẫn đến thiếu máu cơ tim hoặc hoại tử cơ tim.

Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành gồm điều trị nội khoa, tái thông mạch vành bị hẹp bằng cách đặt stent hoặc phẫu thuật cầu nối chủ vành. Trong đó, can thiệp động mạch vành là thủ thuật xâm lấn tối thiểu nhất, đạt được nhiều tiến bộ ở cả kỹ thuật và hiệu quả điều trị.

Bệnh mạch vành nằm trong nhóm bệnh lý gây tử vong hàng đầu Việt Nam

Can thiệp động mạch vành là gì?

Can thiệp động mạch vành qua da còn được gọi là nong động mạch vành (PCI), là một thủ thuật được sử dụng để mở các động mạch vành bị hẹp nặng hoặc tắc nghẽn do xơ vữa mạch vành. Ưu điểm của thủ thuật này giúp phục hồi lưu lượng máu đến cơ tim mà không cần phẫu thuật tim hở.

Khi nào cần can thiệp động mạch vành?

Can thiệp động mạch vành qua da được chỉ định trong điều trị bệnh mạch vành, cụ thể là:

  • Đau thắt ngực ổn định không đáp ứng với phương pháp điều trị nội khoa.
  • Đau thắt ngực ổn định có xảy ra tình trạng thiếu máu cơ tim (thông qua nghiệm pháp gắng sức dương tính hoặc xạ hình tưới máu cơ tim dương tính) và có tổn thương tại động mạch vành cấp máu ở một vùng cơ tim lớn.
  • Đau ngực không ổn định/nhồi máu cơ tim cấp không có ST chênh lên trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên.
  • Đau thắt ngực xuất hiện sau khi bệnh nhân thực hiện phẫu thuật làm cầu nối chủ vành.
  • Tái hẹp mạch vành ở nhiều vị trí sau can thiệp.

    Can thiệp động mạch vành qua da nhằm mở các mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn do xơ vữa

 Stent động mạch vành tồn tại bao lâu?

- Stent động mạch vành làm bằng kim loại, chính vì vậy nó sẽ tồn tại vĩnh viễn trong lòng động mạch vành. Thông thường stent sẽ ổn định động mạch vành rất lâu(10-15 năm). Tuy vậy, nếu bệnh nhân kiểm soát không tốt các yếu tố gây xơ vữa động mạch vành thì thời gian trên sẽ giảm xuống( có thể chỉ còn vài tháng).

Bóng nong mạch vành (balloon) được đưa vào chỗ hẹp hoặc tắc nghẽn

Các yêu tố có thể gây nên tái hẹp stent:

- Hút thuốc lá

- Ăn thức ăn nhiều dầu mỡ

- Uống thuốc không đầy đủ

- Kiểm soát không tốt bệnh lý đái tháo đường, huyết áp cao hay rối loạn lipid máu kèm theo

- Stent phủ không hết vùng tổn thương...

- Trong đó cần nhấn mạnh ràng hút thuốc lá là yếu tố gây tái hẹp hàng đầu.

Bệnh nhân nên tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn

  • Bác sĩ sẽ dặn dò bệnh nhân tuân thủ điều trị, uống thuốc suốt đời, tái khám định kỳ.
  • Sau khi xuất viện bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc để tiếp tục điều trị, cần tuân thủ nghiêm ngặt đối với uống thuốc, trong đó có kháng tiểu cầu để đạt lợi ích điều trị.
  • Thời gian đầu thường là 1 năm sau đặt stent, bệnh nhân cần uống thuốc kháng tiểu cầu kép( Aspirin kết hợp Clopidogrel hoặc Ticagrelor). Sau đó uống Aspirin suốt đời.
  • Thời gian tái khám tại phòng khám tim mạch (phòng 232, phòng 224) nên là mỗi 1 tháng- 3 tháng hoặc khi có các biểu hiện bất thường như đau ngực tăng lên, khó thở, hạn chế gắng sức, choáng váng, buồn nôn, xuất huyết dưới da, đại tiện phân đen...
  • Ngoài ra, cần phối hợp điều trị giữa các chuyên gia, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ các rối loạn đường máu, lipid máu, huyết áp để giảm thiểu tỷ lệ tái hẹp stent.

    Phòng khám tim mạch 232- tầng 2 khu nhà 7 tầng

  • Phòng khám 224- tầng 2 khu nhà 7 tầng

Chế độ ăn uống, sinh hoạt như thế nào là hợp lý?

Chế độ ăn lành mạnh để vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa giúp vết thương mau lành.

+ Chất đạm( Protein): Nên ăn lượng vừa phải thịt nạc, thịt gà bỏ da, trứng, đậu phụ. Mỗi tuần nên ăn 2 bữa có các loại cá như cá hồi, cá thu hoặc cá mòi để cung cấp cho cơ thể nhiều chất béo  omega -3 có lợi cho tim. Ngoài ra, cần tránh thịt có màu đỏ như thịt bò, thịt chó…để tránh làm tăng cholesterol và làm nặng thêm tình trạng xơ vữa mạch vành.

+ Chất béo: Nên sử dụng chất béo dễ tiêu( chất béo chưa bão hòa) như dầu thực vật( dầu ô liu, hướng dương, dầu cải…) hoặc từ các loại hạt, bơ, dầu cá, hạn chế tối đa mỡ động vật

+ Chất xơ: Bổ sung vào thực đơn nhiều trái cây tươi và rau xanh.

+ Nước lọc: Uống nhiều nước( trừ bệnh nhân suy tim nặng) và hạn chế chất kích thích, đồ uống có đường. Nên uống 8-10 ly nước mỗi ngày để tăng đào thải chất cản quang sử dụng khi can thiệp. Ngoài nước, bệnh nhân cũng nên uống sữa ít béo, sữa chua, sữa không đường hoặc tốt nhất là uống sữa đậu nành.

+ Cần lưu ý ăn nhạt, giảm nêm muối, nên ăn nhạt hơn bình thường để tránh tăng huyết áp, giảm phù.

+ Bỏ hút thuốc lá, kể cả hút thuốc lá thụ động.

+ Nên tập thể dục đều đặn, gắng sức vừa phải, hạn chế ra đường khi thời tiết lạnh.