Công Khai Đối Với Viên Chức

  1. Viên chức là gì?

Điều 2 Luật Viên chức 2010 đã quy định về định nghĩa viên chức: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập”. Trong đó:

- Vị trí việc làm: Là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng; là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (theo Điều 7 Luật Viên chức).

- Đơn vị sự nghiệp công lập: Là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý Nhà nước (theo Điều 9 Luật Viên chức). Việc phân loại đơn vị sự nghiệp công lập được dựa trên mức độ tự chủ về tài chính của các đơn vị cả về chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đó, theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, quản lý và sử dụng viên chức thì có 4 loại đơn vị sự nghiệp công lập như sau:

  • Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;
  • Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên;
  • Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;
  • Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

- Hợp đồng làm việc: Là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên (theo Khoản 5 Điều 3 Luật Viên chức).

  1. Những việc phải công khai đối với viên chức

Công khai là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị công bố, cung cấp thông tin chính thức về văn bản, hoạt động hoặc về nội dung nhất định. Có nghĩa là, những thông tin đó không được giữ kín, không được che giấu mà được công bố cho mọi người đều có thể biết. Như vậy có thể thấy rằng, công khai là một biện pháp quan trọng trong việc thực hiện dân chủ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đối với viên chức, đơn vị sự nghiệp công lập nơi viên chức công tác cũng phải thực hiện công khai đối với viên chức. Cụ thể, căn cứ theo Điều 7 Nghị định 04/2015 về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, những việc phải công khai đối với viên chức bao gồm:

  • Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của đơn vị.
  • Kế hoạch công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng của đơn vị.
  • Kinh phí hoạt động hàng năm, bao gồm các nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn tài chính khác; quyết toán kinh phí hàng năm của đơn vị; tài sản, trang thiết bị của đơn vị; kết quả kiểm toán.
  • Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, biệt phái, miễn nhiệm; hợp đồng làm việc, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức; đi công tác nước ngoài, giải quyết chế độ, nâng bậc lương, nâng ngạch, đánh giá, xếp loại viên chức; khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với viên chức; các đề án, dự án và việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của đơn vị.
  • Các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị đã được kết luận; bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của pháp luật.
  • Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ đơn vị.
  • Các nội quy, quy chế của đơn vị.
  • Kết quả tiếp thu ý kiến của viên chức về những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của người đứng đầu đơn vị đưa ra lấy ý kiến viên chức quy định tại Điều 9 của Nghị định 04/2015. Cụ thể, viên chức tham gia ý kiến những việc sau:
  • Chủ trương, giải pháp thực hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của đơn vị.
  • Kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị.
  • Tổ chức phong trào thi đua của đơn vị.
  • Báo cáo sơ kết, tổng kết của đơn vị.
  • Các biện pháp cải tiến tổ chức, hoạt động và lề lối làm việc; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân.
  • Kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng viên chức; bổ nhiệm viên chức.
  • Thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của viên chức.
  • Các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị.
  • Văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cấp trên liên quan đến công việc của đơn vị.
  1. Hình thức và thời gian công khai

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 04/2015, căn cứ vào đặc điểm, tính chất hoạt động và nội dung phải công khai, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc công khai đối với viên chức bằng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai sau đây:

  • Niêm yết tại đơn vị;
  • Thông báo tại hội nghị viên chức đơn vị;
  • Thông báo bằng văn bản gửi toàn thể viên chức;
  • Thông báo cho người phụ trách các bộ phận của đơn vị và yêu cầu họ thông báo đến viên chức làm việc trong các bộ phận đó;
  • Thông báo bằng văn bản đến cấp ủy trực tiếp, Ban Chấp hành Công đoàn đơn vị;
  • Đăng trên trang thông tin nội bộ của đơn vị.

Công khai đối với viên chức là một trong những biện pháp quan trọng để thực hiện dân chủ trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cần lưu ý những việc cần phải công khai đối với viên chức để đảm bảo việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc.