Dinh Dưỡng Cho Người Béo Phì

XỬ TRÍ THỪA CÂN - BÉO PHÌ

Xác định mục tiêu giảm cân: Ngăn ngừa sự tiếp tục tăng cân, giảm cân nặng hiện có và duy trì bền vững ở mức hợp lý.

- Giảm 5-10% cân nặng hiện có. Những nghiên cứu lâm sàng cho thấy giảm cân trung bình (5-10% trọng lượng cơ thể) có thể điều chỉnh nhiều rối loạn chuyển hóa quan trọng có liên quan với béo phì như: Tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường typ 2… Thay đổi chế độ ăn và hoạt động thể lực là nền tảng của tất cả các chương trình kiểm soát thừa cân và béo phì.

  1. Phương pháp thay đổi chế độ ăn
    • Nguyên tắc của thay đổi chế độ ăn

* Giảm năng lượng ăn vào và cải thiện chất lượng chế độ ăn

Khi xây dựng chế độ ăn thấp năng lượng phải luôn chú ý đến chế độ ăn này phải cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể: vitamin, chất khoáng, các acid amin cần thiết và các acid béo cần thiết để duy trì sức khỏe, ngoại trừ việc đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho đối tượng.

Chế độ ăn phải linh hoạt, xem xét đến khả năng tài chính, khẩu vị, những thực phẩm ăn kiêng của từng tôn giáo và phải thích ứng với cuộc sống của từng người.

Chế độ ăn phải được bệnh nhân chấp nhận và hiểu rằng chỉ có giảm năng lượng mới giảm được cân và duy trì bền vững cân nặng ở mức thấp nhất.

* Tạo được sự thiếu hụt năng lượng: tạo ra sự cân bằng năng lượng âm tính: Năng lượng tiêu hao – năng lượng ăn vào= 500-1000kcal/ngày. Sự thiếu hụt năng lượng 500- 1000kcal/ngày sẽ giảm 10% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng.

Giảm năng lượng khẩu phần ăn từng bước một, mỗi tuần giảm khoảng 300Kcal so với khẩu phần ăn hiện tại của bệnh nhân cho đến khi đat được năng lượng tương ứng với mức BMI:

BMI từ 25- 29,9: Năng lượng đưa vào là 1500kcal/ngày. BMI từ 30-34,9: Năng lượng đưa vào là 1200Kcal/ngày BMI từ 35-39,9: Năng lượng đưa vào là 1000Kcal/ngày BMI ≥40: Năng lượng đưa vào là 800 kcal/ngày.

  • Thành phần các chất dinh dưỡng như sau
  • Lipid: 15% năng lượng khẩu phần từ chất béo. Trong đó thấp các acid béo no, nhiều acid béo không no một nối đôi và nhiều nối đôi.
    • Tránh tất cả các thực phẩm nhiều chất béo: thịt mỡ, nước dùng thịt, bơ, thịt chân giò…
    • Tránh các thực phẩm nhiều cholesterol: óc, tim, gan, cật, lòng lợn, tiết, tôm, lươn…
    • Tránh ăn các món ăn có đưa thêm chất béo: bánh mỳ bơ, bơ trộn rau, các món xào, rán.
  • Protein: Đảm bảo đủ protein. Thay thế một phần chất béo trong chế độ ăn bằng protein có thể là cách hiệu quả trong giảm cân. Protein có thể từ 15-25% năng lượng của khẩu phần. Lựa chọn các thực phẩm giàu protein như: thịt ít mỡ, thịt gia cầm bỏ da, tôm, cua, cá, giò nạc, sữa đậu nành, pho mát, trứng, sữa bột tách bơ, sữa chua làm từ sữa gầy, đậu đỗ…
  • Carbohydrate: Nên sử dụng những glucid có nhiều chất xơ như gạo lứt, gạo lật nảy mầm, gạo lật, bánh mỳ đen, khoai củ…có đậm độ năng lượng thấp, không đắt tiền, và có thêm các vitamin, khoáng chất.

Đậm độ năng lượng thấp (năng lượng/ trọng lượng thực phẩm) của thức ăn và khẩu phần ăn được xem là có vai trò quan trọng tới năng lượng ăn vào.

  • Đủ vitamin, khoáng chất: Bổ sung viên đa vi chất dinh dưỡng.Những khẩu phần ăn dưới 1200kcal thường thiếu hụt các vitamin và khoáng chất cần thiết như: canxi, sắt, kẽm, vitamin E, D... Do vậy, việc bổ sung vitamin và khoáng chất được khuyến cáo khi khẩu phần ăn năng lượng thấp dưới 1200kcal/ngày và đặc biệt ở những bệnh nhân có khả năng lựa chọn thực phẩm bị hạn chế, không thỏa mãn đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất.
  • Rau và quả chín: 500g/ngày. Nguồn cung cấp chất xơ, vitamin và chất khoáng.
  • Muối: Hạn chế muối < 5g/ ngày. Nếu có tăng huyết áp thì chỉ nên dùng 2-< 4g/ngày.
  • Tạo thói quen ăn uống theo đúng chế độ ăn. Số bữa ăn nên 3 bữa/ngày. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày và không ăn nhiều trong bữa ăn.
  • Bữa ăn sáng quan trọng, duy trì BMI khỏe mạnh và chế độ ăn giàu xơ để hạn chế ăn nhiều trong bữa trưa.
  • Chọn thực phẩm giàu chất xơ để nhai nhiều, ít năng lượng và tăng cảm giác no. Khuyến khích tiêu thụ khoảng 25-35g xơ/ngày.

  • Nên tránh ăn các thức ăn giàu năng lượng như: Đường mật, mứt kẹo, bánh ngọt, chocolate, nước ngọt….
  • Các thức ăn không nên dùng: Không uống rượu, bia, cà phê, các đồ uống có chất kích thích, khi chế biến tránh xào rán nhiều chất béo, nên tăng ăn rau ở dạng luộc, nấu canh, làm nộm, rau trộn xalat. Không nên ăn nhiều thực phẩm vào chiều và tối.

  1. Phương pháp giảm cân bằng chế độ ăn rất thấp năng lượng

Khi khẩu phần có sự thiếu hụt năng lượng giữa tiêu hao và ăn vào trên 1000kcal được gọi là chế độ ăn rất thấp năng lượng. Một số ăn rất thấp năng lượng dạng lỏng gồm 800 kcal/ngày + giàu protein có giá trị sinh học cao: 0,8-1,5g/kg cân nặng lý tưởng/ngày. Giàu các acid béo cần thiết và bổ sung đủ các vitamin, khoáng chất, điện giải. Việc thực hiện chế độ ăn rất thấp năng lượng chỉ nên kéo dài từ 12-16 tuần và dạng ăn này thay thế hoàn toàn bữa ăn thông thường.

Việc nuôi dưỡng trở lại sau chế độ ăn rất thấp năng lượng nên tiến hành từ từ. Chế độ ăn rất thấp năng lượng có hiệu quả giảm cân nhanh, tốc độ giảm cân trung bình từ 12- 16 tuần và khoảng 20kg. Ở nam giới nhiều hơn nữ giới và càng béo giảm cân càng nhiều.

Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ ăn rất thấp năng lượng có những mặt hạn chế: đắt tiền và có tác dụng phụ của việc giảm cân nhanh: Tăng acid uric máu, bệnh gout, sỏi bàng quang và các biến chứng về tim mạch. Do vậy, chỉ dùng chế độ ăn rất thấp năng lượng cho bệnh nhân béo phì (BMI > 30), và đặc biệt những người có bệnh rối loạn kèm theo như: Đái tháo đường typ 2, có cơn ngừng thở khi ngủ.

  1. Phương pháp giảm cân thay thế bữa ăn bằng uống

Bữa ăn được thay thế bằng đường uống đôi khi được dùng trong các chương trình kiểm soát cân nặng. Việc thay thế bữa ăn thông thường bằng uống với chế độ ăn rất thấp năng lượng là trong mô hình này chỉ có 1 hoặc 2 bữa ăn được thay thế bằng dạng uống chứ không phải toàn bộ khẩu phần ăn. Nguyên tắc các sản phẩm sử dụng trong thay thế bữa ăn: Phải giàu protein, có giá trị sinh học cao (Whey protein), ít béo, giàu vitamin và khoáng chất thiết yếu.

  1. Vai trò của hoạt động thể lực trong giảm cân

Hoạt động thể lực bao gồm những hoạt động hàng ngày, các công việc liên quan đến hoạt động thể lực và tập luyện thể dục thể thao.Việc giảm khối mỡ và bảo vệ khối nạc là mục tiêu chính của một chương trình can thiệp giảm cân.

Luyện tập thể dục thể thao sẽ tùy theo từng cá thể và có thể lựa chọn hình thực luyện tập cho phù hợp. Duy trì chế độ luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ngày với các loại hình như: Đi bộ, chạy bộ, bơi, thể dục nhip điệu…Người ta ước tính 1kg chất béo của cơ thể cung cấp năng lượng cho việc tập luyện đi bộ hoặc đi bộ nhanh 100km. Điều này tương ứng với đi bộ 2,5km (20-30 phút mỗi ngày với tần suất 5 lần/ tuần) sẽ mang

          đến hiệu quả giảm 6,5kg chất béo trong vòng 1 năm với điều kiện chế độ ăn không dư thừa năng lượng.

Việc kết hợp giảm năng lượng của khẩu phần ăn và tăng hoat động thể lực có hiệu quả giảm cân nhiều hơn là chỉ dùng đơn lẻ một trong hai phương pháp.

Giữ lối sống năng động: leo cầu thang thay cho đi thang máy, đi bộ, đi xe đạp thay cho đi bằng ô tô; xe máy, làm một số việc nhà hơn là ngồi xem tivi,…

    THỰC ĐƠN THAM KHẢO

     

    Giờ ăn

    Món ăn

    7 giờ

    Cháo thịt:

    Gạo tẻ 50g, thịt lợn nạc 40g, hành lá 5g, dầu ăn 5ml

     

     

     

    11 giờ

    Cơm gạo tẻ: 150g (gạo 75g)

    Thịt bê hấp gừng:

    Thịt bê nạc 50g, gừng 5g, tương nếp 5g

    Lạc rang dầu:

    Lạc hạt 20g, dầu ăn 2,5ml

    Rau khoai lang xào:

    Rau khoai lang 200g, dầu ăn 7ml

    Canh rau ngót: Rau ngót 50g Cam: 200g

    15 giờ

    Chuối tiêu: 100g (1 quả)

     

     

     

    18 giờ

    Cơm gạo tẻ: 120g (gạo 60g)

    Tôm biển chiên giòn:

    Tôm biển 50g, tương ớt 5g, dầu ăn 5ml

    Thịt lợn băm rang:

    Thịt lợn nạc 40g

    Cải soong xào:

    Cải soong 200g, dầu ăn 7ml

    Canh rau cải:

    Cải xanh 50g

    Chôm chôm: 150g

     

     

    Giá trị dinh dưỡng

    Năng lượng: 1470Kcal   Zn: 10,8(mg)

    Protein: 72,7(g)   Xơ: 13,9(g)

    Glucid: 204,2(g) Natri: 445(mg)

    Lipid: 40,2(g)     Kali: 3313(mg)

    Canxi: 558(mg)   Cholesterol: 169(mg) Fe: 17,9(mg)

     

    Bài viết được tổng hợp trình bày bởi Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới

    Trên đây là những thông tin về chế độ dinh dưỡng dành cho người béo phì mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hãy thường xuyên theo dõi Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới để cập nhật những tin tức có giá trị góp phần bảo vệ sức khỏe của bạn và những người thương yêu bên cạnh các bạn.

    Bạn có thể nhận tư vấn dinh dưỡng trực tiếp tại khoa Dinh Dưỡng, tầng 1 khu nhà 5 tầng.