Giám Định Thương Tật

  1. Mục đích giám định thương tật khi tai nạn lao động

Căn cứ theo quy định tại Điều 43 Luật BHXH và Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, viên chức, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    • Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh.
    • Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động.
    • Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
  • Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn trong các trường hợp trên.

Như vậy, viên chức, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện trên, trong đó có điều kiện về tỷ lệ thương tật là “suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên”. Vì vậy, giám định thương tật khi tai nạn lao động là khâu quan trọng, góp phần xác định xem viên chức, người lao động có đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động hay không.

  1. Giám định thương tật

Việc giám định thương tật được thực hiện dưựa vào Bảng tỷ lệ % TTCT do thương tích sử dụng trong giám định pháp y được ban hành kèm Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

Ví dụ, đối chiếu với Bảng tỷ lệ % TTCT do thương tích sử dụng trong giám định pháp y này, tỷ lệ % tổn thương cơ thể khi bị trật khớp ức - đòn là 11 - 15%.

Khi giám định thương tật, tức là xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể, cần tuân theo những quy tắc được quy định tại Điều 3 Thông tư 22/2019/TT-BYT như sau:

  • Tổng tỷ lệ % TTCT của một người phải nhỏ hơn 100%.
  • Mỗi bộ phận cơ thể bị tổn thương chỉ được tính tỷ lệ % TTCT một lần. Trường hợp bộ phận này bị tổn thương nhưng gây biến chứng, di chứng sang bộ phận thứ hai đã được xác định thì tính thêm tỷ lệ % TTCT do biến chứng, di chứng tổn thương ở bộ phận thứ hai.
  • Nếu nhiều TTCT là triệu chứng thuộc một hội chứng hoặc thuộc một bệnh đã được ghi trong các Bảng tỷ lệ % TTCT thì tỷ lệ % TTCT được xác định theo hội chứng hoặc theo bệnh đó.
  • Khi tính tỷ lệ % TTCT chỉ lấy đến hai chữ số hàng thập phân, ở kết quả cuối cùng thì làm tròn để có tổng tỷ lệ % TTCT là số nguyên (nếu số hàng thập phân bằng hoặc lớn hơn 0,5 thì làm tròn số thành 01 đơn vị).
  • Khi tính tỷ lệ % TTCT của một bộ phận cơ thể có tính chất đối xứng, hiệp đồng chức năng mà một bên bị tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn đã được xác định, thì tính cả tỷ lệ % TTCT đối với bộ phận bị tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn đó.
  • Ví dụ: Một người đã bị cắt thận phải trước đó, nếu lần này bị chấn thương phải cắt thận trái thì tỷ lệ % TTCT được tính là mất cả hai thận.
  • Khi giám định, căn cứ tổn thương thực tế và mức độ ảnh hưởng của tổn thương đến cuộc sống, nghề nghiệp của người cần giám định, giám định viên đánh giá, xác định tỷ lệ % TTCT trong khung tỷ lệ tương ứng với Bảng tỷ lệ % TTCT.
  • Đối với các bộ phận cơ thể đã bị mất chức năng, nay bị tổn thương thì tỷ lệ % TTCT được tính bằng 30% tỷ lệ % TTCT của bộ phận đó.
  • Trường hợp trên cùng một người cần giám định mà vừa phải giám định pháp y lại vừa phải giám định pháp y tâm thần (theo quyết định trưng cầu/yêu cầu), thì tổ chức giám định thực hiện giám định sau tổng hợp (cộng) tỷ lệ % TTCT của người cần giám định theo phương pháp xác định tỷ lệ % TTCT quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Như vậy, giám định thương tật là một trong những khâu quan trọng khi viên chức, người lao động không may bị tai nạn lao động. Việc giám định thương tật phải được thực hiện kỹ càng, chính xác, và tuân theo những nguyên tắc mà pháp luật quy định.