Làm Việc Tại Đơn Vị Sự Nghiệp Công Lập Có Phải Là Viên Chức Hay Không?

  1. Làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập có phải là viên chức hay không?

Điều 2 Luật Viên chức năm 2010 quy định “viên chức” là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Trong đó:

- Vị trí việc làm: Là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng; là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (căn cứ Điều 7 Luật Viên chức).

- Đơn vị sự nghiệp công lập: Là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý Nhà nước (theo Điều 9 Luật Viên chức). Đơn vị sự nghiệp công lập gồm:

  • Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ);
  • Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ).

- Hợp đồng làm việc: là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên (theo Khoản 5 Điều 3 Luật Viên chức). Hiện nay, viên chức được ký một trong hai loại hợp đồng làm việc: Không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Luật Viên chức 2019, 02 loại hợp đồng này được quy định như sau:

  • Hợp đồng làm việc xác định thời hạn: Là hợp đồng hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian từ 12 - 60 tháng;
  • Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn: Là hợp đồng hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

Như vậy, những đối tượng đáp ứng các quy định nêu trên thì được gọi là viên chức. Điều này cũng có nghĩa là, không phải cứ làm việc ở đơn vị sự nghiệp công lập thì được gọi là “viên chức” mà còn phải tùy theo vị trí việc làm và các yếu tố khác có liên quan.

Bên cạnh đó, “công chức” cũng được quy định tại Điều 4 Khoản 1 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 như sau: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, làm việc lại đơn vị sự nghiệp công lập còn có công chức (trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập).

  1. Nguyên tắc xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc đơn vị sự nghiệp công lập

Theo Điều 3 Nghị định 106/2020/NĐ-CP thì nguyên tắc xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:

- Thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và của pháp luật về vị trí việc làm, số lượng người làm việc và tinh giản biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập.

- Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập.

- Bảo đảm một người làm việc phải được giao đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian lao động quy định. Những vị trí việc làm không có đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian quy định của một người làm việc thì phải bố trí kiêm nhiệm.

- Bảo đảm cơ cấu hợp lý, trong đó số lượng người làm việc tại các vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung chiếm tỉ lệ tối thiểu 65% tổng số lượng người làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, không phải cứ làm việc ở đơn vị sự nghiệp công lập thì được gọi là “viên chức” mà còn phải tùy theo vị trí việc làm. Đối với người giữ vị trí việc làm lãnh đạo trong đơn vị sự nghiệp công lập thì không phải là viên chức, mà là công chức.