Khuyến Cáo Sàng Lọc Đái Tháo Đường Thai Kỳ

    1. Đái tháo đường thai kỳ

    Đái tháo đường thai kỳ là một thể bệnh đái tháo đường, được chẩn đoán lần đầu tiên trong khi có thai, có mức đường máu thấp hơn so với đái tháo đường mang thai (đái tháo đường rõ), và làm tăng các nguy cơ bất lợi cho cả mẹ và con.

    Đái tháo đường thai kỳ đang có chiều hướng gia tăng do sự gia tăng tỷ lệ béo phì và đề kháng insulin do lối sống ít vận động, thừa cân, béo phì, kèm theo các yếu tố nguy cơ khác.

    1. Sàng lọc đái tháo đường thai kỳ cần được thực hiện thường quy

    Sàng lọc để phát hiện và can thiệp kịp thời cho bệnh nhân mắc đái tháo đường thai kỳ là vô cùng quan trọng. Nếu không được phát hiện sớm, tăng đường máu trong thời kỳ mang thai có thể gây ra các biến chứng cho mẹ và thai.

    Những biến chứng có thể gây ra cho người mẹ bao gồm: tăng huyết áp, sinh non, đa ối, sẩy thai và thai lưu, nhiễm khuẩn niệu. Về lâu dài, nhiều nghiên cứu cho thấy các phụ nữ có 17-63% tiền sử ĐTĐTK có nguy cơ cao diễn tiến thành ĐTĐ týp 2 trong tương lai trong thời gian 5-16 năm sau sinh.

    Bên cạnh đó ĐTĐTK còn gây ra các biến chứng cho thai nhi và trẻ sơ sinh như: thai tăng trưởng quá mức và thai to, hạ đường máu và hội chứng chuyển hóa ở trẻ sơ sinh, bệnh lý đường hô hấp, dị tật bẩm sinh, tử vong ngay sau sinh, tăng hồng cầu, vàng da sơ sinh. Về lâu dài trẻ có mẹ mắc ĐTĐTK tăng tần suất mắc ĐTĐ típ 2, rối loạn tâm thần – vận động.

    Vì vậy, cần thực hiện sàng lọc đái tháo đường thai kỳ, đặc biệt là với người có nguy cơ cao mắc bệnh ở thời điểm phù hợp theo khuyến cáo của bác sĩ.

    1. Thời điểm sàng lọc đái tháo đường thai kỳ

    Thai phụ có một trong những yếu tố sau được cho là có nguy cơ cao mắc ĐTĐTK:

    - Thai phụ: lớn tuổi, nhiều con, béo phì trước mang thai, tăng cân quá mức trong thai kỳ, hội chứng buồng trứng đa nang.

    - Tiền sử ĐTĐ trong gia đình thế hệ thứ nhất

    - Tiền sử sản khoa: thai lưu, sinh con to, ĐTĐTK trong lần sinh trước.

    - Các yếu tố trong thai kỳ: tăng huyết áp, đa thai

    Các thai phụ có nguy cơ cao cần xét nghiệm đường huyết lúc đói, HbA1c và thử đường huyết bất kỳ trong 3 tháng đầu mang thai. Nếu đường huyết lúc đói ≥ 7mmol/L, HbA1c ≥ 6.5% hoặc đường huyết bất kỳ 11,1mmol/L sẽ được giới thiệu chuyên khoa nội tiết theo dõi điều trị. Nếu không có bất thường được hẹn tái khám vào tuần thai thứ 24-28 để thực hiện nghiệm pháp dung nạp 75g Glucose đường uống.

    Sàng lọc ĐTĐTK bằng nghiệm pháp dung nạp 75g glucose bằng đường uống ở tuần thai thứ 24-28.

    Hướng dẫn cụ thể để thực hiện nghiệm pháp bao gồm:

    - Ba ngày trước khi tiến hành nghiệm pháp chẩn đoán, không ăn chế độ ăn có quá nhiều glucid cũng như không ăn kiêng nhằm tránh ảnh hưởng nghiệm pháp.

    - Nhịn đói 8 - 12 giờ trước khi làm nghiệm pháp.

    - Lấy 2ml máu tĩnh mạch, định lượng glucose trong huyết tương lúc đói trước khi làm nghiệm pháp.

    - Uống ly nước đường đã được nhóm nghiên cứu chuẩn bị sẵn, uống trong vòng 5 phút.

    - Lấy 2ml máu tĩnh mạch, định lượng glucose trong huyết tương ở 2 thời điểm 1 giờ và 2 giờ sau uống nước glucose.

    - Trong thời gian làm nghiệm pháp thai phụ không ăn uống gì thêm, được ngồi nghỉ ngơi trong phòng làm nghiệm pháp hoặc đi lại nhẹ nhàng trong khuôn viên bệnh viện trong thời gian làm nghiệm pháp.

    Chẩn đoán ĐTĐTK khi có 1 trong 3 tiêu chuẩn sau:

    • Đường huyết đói ≥ 5,1mmol/L
    • Đường huyết 1 giờ sau khi uống 75g glucose là ≥ 10mmol/L
    • Đường huyết 2 giờ sau uống 75g glucose là ≥ 8,5mmol/L

    Sau khi được chẩn đoán ĐTĐTK thai phụ cần khám chuyên khoa nội tiết, kết hợp với khám thai định kỳ.

    Những thai phụ được xác định đái tháo đường thai kỳ nên định kỳ xét nghiệm mỗi 3 năm/lần để phát hiện sự tiến triển của đái tháo đường hay tiền đái tháo đường.

    Tất cả phụ nữ mang thai cần sàng lọc đái tháo đường thai kỳ từ tuần thai 24 đến 28 theo khuyến cáo. Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ cần tái khám đúng lịch hẹn và thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ trong việc điều trị để tránh nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

    Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn quốc gia dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ của Bộ Y tế và vụ sức khỏe bà mẹ trẻ em.

                                                                                           Tác giả: Ths.BS. Trần Thị Hiền -  Khoa Nội Tổng hợp – Lão khoa