Viên Chức Nghỉ Ngơi

  1. Quyền nghỉ ngơi của viên chức

Theo quy định tại Điều 13 Luật Viên chức 2010 thì viên chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.

Viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ phép của 02 năm để nghỉ một lần; nếu gộp số ngày nghỉ phép của 03 năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với lĩnh vực sự nghiệp đặc thù, viên chức được nghỉ việc và hưởng lương theo quy định của pháp luật.

Ngoài nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc việc, viên chức có thể được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

  1. Nghỉ hàng năm của viên chức

Theo quy định của Luật Viên chức 2010, chế độ nghỉ hàng năm của viên chức được quy định theo pháp luật về lao động, tức là Bộ luật lao động. Căn cứ vào Điều 113 Bộ luật lao động 2019, chế độ nghỉ hàng năm của viên chức được quy định như sau:

- Đối với viên chức làm việc đủ 12 tháng thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng làm việc như sau:

+ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.

+ 14 ngày làm việc đối với viên chức làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; viên chức chưa thành niên (Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn 18 tuổi; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật).

+ 16 ngày làm việc đối với viên chức làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Ngoài ra, cứ đủ 05 năm làm việc thì số ngày nghỉ hằng năm trên của viên chức được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

- Đối với viên chức làm việc chưa đủ 12 tháng thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Cụ thể, Điều 7 Nghị định 45/2013/NĐ-CP đã hướng dẫn cách tính số ngày nghỉ hằng năm đối với trường hợp làm không đủ năm như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 01 đơn vị.

Trường hợp viên chức làm việc chưa đủ tháng, nếu tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của viên chức (nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114 và Điều 115 của Bộ luật Lao động) chiếm tỷ lệ từ 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng theo thỏa thuận thì tháng đó được tính là 01 tháng làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm.

  1. Nghỉ lễ của viên chức

Theo quy định của Luật Viên chức 2010, chế độ nghỉ lễ của viên chức được quy định theo pháp luật về lao động, tức là Bộ luật lao động. Căn cứ vào Điều 112 Bộ luật lao động 2019, viên chức được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

  • Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
  • Tết Âm lịch: 05 ngày;
  • Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
  • Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
  • Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
  • Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).Nghỉ việc riêng của viên chức

Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ Tết Âm lịch và Quốc Khánh.

  1. Nghỉ việc riêng của viên chức

Theo quy định của Luật Viên chức 2010, chế độ nghỉ việc riêng của viên chức được quy định theo pháp luật về lao động, tức là Bộ luật lao động. Căn cứ vào Điều 115 Bộ luật lao động 2019, viên chức được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với đơn vị trong trường hợp sau đây:

  • Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
  • Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
  • Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

Ngoài ra, viên chức được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với đơn vị khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

Như vậy, viên chức được pháp luật đảm bảo hưởng quyền nghỉ ngơi như trên. Viên chức cũng như người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cần nắm vững những quy định trên để đảm bảo quyền lợi nghỉ ngơi của viên chức.