Chế Độ Dinh Dưỡng Cho Bệnh Nhân Mắc Bệnh Thận Mạn Tính: Vũ Khí Chiến Lược Quyết Định Đến Sự Thành Công Trong Quá Trình Điều Trị

Bệnh thận mạn ít được phát hiện sớm, đa phần được phát hiện đã ở giai đoạn nặng. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn là người mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch, suy tim, các bệnh dị dạng đường tiết niệu cần phẫu thuật, bệnh hệ thống gây tổn thương thận. 

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh suy thận mạn tính bảo tồn chức năng thận, kéo dài thời gian phải chạy thận. Ngoài ra sẽ góp phần hạn chế biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chậm diễn tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

Người suy thận mạn cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý (Ảnh minh họa)

Người bệnh suy thận cần có một chế độ ăn cân bằng, hợp lý

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bệnh nhân suy thận mạn khá cao, chiếm 40%. Đặc điểm suy dinh dưỡng ở các bệnh nhân này do giảm protein, bệnh nhân suy thận mạn béo phì vẫn có thể bị suy dinh dưỡng do giảm khối cơ xương. 

Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở bệnh nhân bệnh thận mạn là do ăn vào không đủ (chán ăn, nôn, kiêng khem, hạn chế quá nhiều protein...), do rối loạn chuyển hóa, toan chuyển hóa, nhiễm độc urê, hội chứng viêm, rối loạn hormon như tăng cortisol, giảm hoạt tính insulin, giảm erythropoietin, bệnh đường tiêu hóa.

Những thực phẩm nên dùng

Chất bột đường: Người bệnh suy thận mạn nên chọn các thực phẩm chất bột ít đạm như gạo xay trắng, miến, bột sắn dây, khoai lang, khoai sọ, bún, hủ tiếu, phở,...  Bệnh nhân suy thận mạn kèm bệnh đái tháo đường, chọn thực phẩm có chỉ số đường thấp, trung bình như khoai sọ, bún, bánh canh, bánh cuốn, khoai lang,...

Chất đạm:Nên ăn đa dạng, chú ý đạm giá trị sinh học cao (thịt, cá, sữa, trứng). Nếu bệnh nhân kèm rối loạn mỡ máu nên ăn trứng 3 quả/tuần, cách ngày ăn 1 lần, thịt bò 1-2 lần/tuần, cá biển (cá hồi, trích, cá nục...) 2 lần/tuần. Số lượng đạm tùy theo mức độ, giai đoạn suy thận. Nên chọn các loại sữa giảm đạm.

Chất béo:Chọn dầu thực vật (dầu vừng, dầu đậu nành...), mỡ cá.

Giai đoạn bệnh thận mạn nhẹ có thể ăn đa dạng rau, trái cây có màu xanh, màu đỏ, màu vàng, tím,... Bệnh nhân có kèm theo bệnh đái tháo đường nên chọn trái cây có chỉ số đường huyết thấp, trung bình như táo tây, cam, quýt, bưởi,... với số lượng tùy mức kali máu. Gia vị nên chọn thực phẩm ít muối, nên đọc nhãn thực phẩm trước khi mua.

Thực phẩm cần hạn chế

  • Thực phẩm nhiều kali như nho khô, chuối khô, thanh long, trái bơ... Rau lá xanh đậm (rau ngót, rau đay, dền, rau muống...), mộc nhĩ, các loại đậu.
  • Chất béo có hại, thực phẩm nhiều cholesterol, chất béo bão hòa như lòng đỏ trứng, bơ, phômai, mỡ, gan, tim, dầu dừa,...
  • Thực phẩm có nhiều phốt-pho: Khi phốt-pho trong máu tăng, sẽ làm cường tuyến cận giáp, xơ vữa mạch máu, ngứa. Các thuốc ngăn cản sự hấp thu phốt-pho ở máu không đủ để kiểm soát tình trạng tăng phốt-pho máu. Vì vậy, cần giảm các loại thức ăn có chứa nhiều phốt-pho như sữa, pho-mát, cua, lòng đỏ trứng, thịt thú rừng, các loại rau quả khô. Các thực phẩm trên cũng làm tăng tình trạng rối loạn mỡ trong máu.
  • Thực phẩm có nhiều muối natri như mắm, cá khô, tôm khô, trứng vịt muối, bánh mì, mì ăn liền, khoai tây chiên,... Khi cả hai thận đều bị suy, muối sẽ không được loại bỏ mà ứ lại trong cơ thể gây phù, ứ nước làm huyết áp tăng và làm cho tình trang suy thận nặng thêm.
  • Không nên uống quá nhiều nước, vì điều này sẽ làm cho cơ thể phù nhiều hơn, huyết áp khó kiểm soát, đồng thời nếu ở bệnh thận mạn giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ tiểu nhiều hơn đặc biệt là tiểu đêm gây khó ngủ.

Khoa Nội thận - Tiết niệu bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới hiện là một đơn vị đầu ngành của Quảng Bình và các tỉnh Bắc Trung Bộ trong công tác điều trị, theo dõi bệnh nhân mắc các bệnh lý thận tiết niệu cấp, mạn tính. Việc tư vấn chế độ dinh dưỡng cho người bệnh thận mạn tính luôn là công việc bắt buộc với các nhân viên y tế tại khoa. Phải ăn những gì, uống những thứ nào, cân đối ra sao thật sự rất khó, đặc biệt đối với các bệnh nhân điều trị lâu dài vì đối tượng này rất dễ bỏ cuộc.

Các buổi truyền thông kiến thức dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận mạn và người nhà chăm sóc

được tổ chức thường xuyên tại khoa Nội thận - Tiết niệu

Tại khoa Nội thận – Tiết niệu đã chứng kiến rất nhiều trường hợp tổn thương thận phát triển rất nhanh do chính bản thân bệnh nhân không tuân thủ nguyên tắc khi điều trị. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người bệnh bảo tồn chức năng thận cực kỳ lâu dài, có khi đến suốt đời.

Người bệnh thận mạn tính khi cần tư vấn chế độ dinh dưỡng chuẩn y khoa xin liên hệ Khoa Nội thận tiết niệu – Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới

Tầng 1, Khu nhà B, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới

Số điện thoại: 0565848112

Email: noithantietnieu14022019@gmail.com

Facebook: https://www.facebook.com/thantietnieu.noi

Phòng  khám Nội thận - Tiết niệu tại khoa Khám bệnh  - Tầng 2 khu nhà Kỹ thuật cao