Trường Hợp Không Hưởng Chế Độ Thai Sản

  1. Chế độ thai sản là gì?

Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng (bao gồm cả lao động nam và nữ) trong quá trình thai sản từ khi khám thai đến khi nuôi con nhỏ. Chế độ nhằm bảo đảm, hỗ trợ một phần thu nhập và sức khỏe cho lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ, thực hiện các biện pháp tránh thai và cho lao động nam khi có vợ sinh con.

Đối tượng áp dụng chế độ thai sản là người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014, bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương

  1. Trường hợp không hưởng chế độ thai sản

Những đối tượng nêu trên tuy là đối tượng áp dụng chế độ thai sản, nhưng không phải trong trường hợp nào họ cũng đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản. Vẫn có những trường hợp người lao động, viên chức thuộc một trong các nhóm đối tượng trên nhưng vẫn không được hưởng chế độ thai sản hoặc được hưởng không tối đa chế độ thai sản. Vậy muốn biết những trường hợp nào không được hưởng chế độ thai sản, chúng ta cần phải tìm hiểu xem pháp luật bảo hiểm xã hội quy định như thế nào về những điều kiện được hưởng chế độ thai sản cho người lao động nữ hiện nay.

  • Điều kiện về đối tượng hưởng

Theo đó, Khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (BHXH) đã quy định về những đối tượng có điều kiện hưởng chế độ thai sản. Cụ thể, người lao động, viên chức được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Lao động nữ mang thai;

(2) Lao động nữ sinh con;

(3) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

(4) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

(5) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

(6) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2.2. Điều kiện về thời gian đóng BHXH

Theo quy định pháp luật, người lao động tại trường hợp (2), (3), (4) phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Cụ thể, theo hướng dẫn tại Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:

- Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

- Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định của trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng.

Người lao động tại trường hợp (2) đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Ngoài ra, người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 Luật BHXH 2014.

Bên cạnh đó, nếu trong thời gian đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà người lao động nữ phải nghỉ việc để khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai chết lưu hay phá thai bệnh lý hoặc thực hiện các biện pháp tránh thai đều vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.

2.3. Điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con

Về điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cụ thể như sau:

- Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;

- Đối với người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.

Trên đây là những trường hợp mà người lao động, viên chức được hưởng chế độ thai sản. Nếu không đáp ứng được một trong các điều kiện đó thì người lao động, viên chức sẽ thuộc trường hợp không được hưởng chế độ thai sản. Vì vậy, người lao động, viên chức cần phải chủ động nắm những quy định về chế độ thai sản trên để có thể đảm bảo được tốt nhất quyền lợi của mình.