Chế Độ Thai Sản Khi Bị Thai Lưu

  1. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi thai chết lưu

Theo Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (BHXH), khi thai chết lưu thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc đó được quy định như sau:

  • 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
  • 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
  • 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
  • 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Ví dụ 1: Chị Võ Thị B liên tục tham gia bảo hiểm xã hội được 2 năm, mang thai đến tuần thứ 6 thì thai chết lưu. Khi đó chị B được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền nhưng tối đa không quá 20 ngày (vì thai từ 05 tuần đến dưới 13 tuần tuổi) kể từ ngày thai bị chết lưu (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần).

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, trong thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh mà thai chết lưu, nếu lao động nữ đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội thì ngoài chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ quy định tại Điều 33 của Luật bảo hiểm xã hội tính từ thời điểm thai chết lưu.

Ví dụ 2: Chị Đặng Thị C liên tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được 2 năm, mang thai đến tháng thứ 8 thì nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, hai tuần sau khi nghỉ việc thì thai bị chết lưu. Như vậy, chị C ngoài việc được hưởng chế độ thai sản cho đến khi thai chết lưu thì còn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền nhưng tối đa không quá 50 ngày (vì thai từ 25 tuần trở lên) kể từ ngày thai bị chết lưu (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần).

Đồng thời tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH còn quy định về trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà có một thai nhi bị chết lưu như sau: “Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu thì thời gian hưởng, trợ cấp thai sản khi sinh con và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu.

Như vậy, đối với trường hợp người lao động nữ mang thai đôi nhưng trong quá trình mang thai có một thai nhi bị chết lưu thì chế độ thai sản được giải quyết giống như với con còn sống. Tức là, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ vẫn sẽ tính theo số con được sinh ra bao gồm con bị chết. Theo đó, lao động nữ sẽ được nghỉ chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng và vẫn sẽ được nghỉ thêm 01 tháng đối với trường hợp sinh đôi có một thai nhi bị chết lưu.

Còn đối với trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà có cả hai thai nhi bị chết lưu thì được quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau: “Trường hợp tất cả các thai đều chết lưu thì thời gian được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật bảo hiểm xã hội đối với từng thai chết lưu, không tính trùng thời gian hưởng.”

  1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi thai chết lưu

Theo quy định tại Điều 101 Luật BHXH thì trường hợp lao động nữ có thai chết phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú. Cụ thể, căn cứ theo Khoản 2 Điều 4 Quyết định số 166/QĐ-BHXH thì hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi thai chết lưu gồm:

  • Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện của người lao động; trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện.
  • Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Như vậy, người lao động, viên chức nữ không may bị lưu thai thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật. Do đó, người lao động, viên chức trên cần nắm vững những quy định trên để đảm bảo quyền lợi được hưởng chế độ của mình.