Chủ Động Kiểm Soát Viêm Gan B

1. Biểu hiện của bệnh viêm gan vi-rút B

Bệnh viêm gan vi-rút B giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Người bệnh thường phát hiện do tình cờ hiến máu nhân đạo, phẫu thuật, khám sức khỏe định kỳ. Vì cấu tạo của gan có rất ít những người mắc bệnh gan nói chung nhất là trong những giai đoạn đầu của bệnh hầu như không có triệu chứng nên rất khó để phát hiện bệnh. Dây thần kinh ở gan chỉ nằm trên lớp biểu bì phía trên nên khi chúng ta có cảm giác đau là đã muộn.

Một số ít bệnh nhân khi cơ thể sẽ tự đào thải được vi-rút viêm gan B và may mắn khỏi bệnh mà không cần phải điều trị bằng thuốc, nhưng đa phần bệnh nhân viêm gan vi-rút B khi được phát hiện bệnh ở giai đoạn mạn tính. Lúc này thì người bệnh có một số dấu hiệu như: mệt mỏi, uể oải, ăn vào có cảm giác đầy bụng khó tiêu, đau hạ sườn phải, tiểu nước tiểu ít, vàng sậm như nước trà, sốt nhẹ, vàng da, vàng mắt, chướng bụng, phù…

2. Đường lây bệnh Viêm gan vi-rút B:

HBV lây nhiễm qua: đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con.

Đường máu: dùng chung kim tiêm hoặc các vật dụng cá nhân với người bệnh (Ví dụ: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kềm cắt móng tay…). Bệnh có thể lây truyền do chúng ta tiếp xúc với máu và các chất dịch trong cơ thể của bệnh nhân khi da và niêm mạc của chúng ta bị trầy sướt hoặc bị đâm thủng.

Đường tình dục: quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ đồng tính.
Đường truyền từ mẹ sang con: Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ lưu hành cao của nhiễm HBV (tỉ lệ nhiễm HBV > 8%) với đường lây chủ yếu là từ mẹ truyền sang con trong lúc sinh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2015, ước tính toàn cầu có khoảng 257 triệu người nhiễm HBV mạn và 887.000 ca tử vong, phần lớn do các biến chứng xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).

HBV có thể gây viêm gan cấp, viêm gan mạn, tiến triển thành xơ gan, HCC. HBV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh gan mạn và HCC tại Việt Nam. Tiêm vắc xin là biện pháp dự phòng lây nhiễm HBV hiệu quả và an toàn.

3. Vậy viêm gan vi-rút B có điều trị khỏi?

- Điều trị viêm gan vi-rút B cấp

Hơn 95% người lớn bị viêm gan vi-rút B cấp sẽ hồi phục một cách tự nhiên mà không cần điều trị thuốc kháng vi-rút. Do đó, điều trị viêm gan vi-rút B cấp chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng hoặc gắng sức trong thời kỳ có triệu chứng lâm sàng. Bệnh nhân ăn uống bình thường, có thể giảm bớt chất béo, kiêng rượu bia, tránh sử dụng các thuốc chuyển hóa qua gan. Khi người bệnh bị nôn ói nhiều hoặc không ăn uống được có thể nuôi dưỡng tạm thời bằng đường tĩnh mạch.

Sau 6 tháng theo dõi, điều trị nếu xét nghiệm không còn kháng nguyên HBsAg (viêm gan vi rút B cấp phục hồi) bác sĩ có thể tư vấn cho người bệnh tiêm phòng nếu kháng thể anti-HBs < 10 IU/L. Sau 6 tháng nếu HBsAg dương tính nghĩa là người bệnh chuyển sang viêm gan vi-rút B mạn, cần phải điều trị tiếp.

- Điều trị viêm gan vi rút mạn

Mục tiêu điều trị là ức chế lâu dài sự sao chép của HBV, cải thiện chất lượng sống, ngăn ngừa diễn tiến xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan. Đồng thời, dự phòng lây truyền HBV cho cộng đồng bao gồm dự phòng lây truyền mẹ con, dự phòng bùng phát viêm gan vi-rút B.

Điều trị viêm gan vi-rút B mạn là điều trị lâu dài, có thể kéo dài suốt đời và tuân thủ điều trị là điều quan trọng. Bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh về mục tiêu điều trị, hiệu quả điều trị, sử dụng dùng thuốc, tác dụng phụ của thuốc, các xét nghiệm, siêu âm cần thiết trong quá trình điều trị, biến chứng có thể xảy ra,…

4. Cách phòng bệnh viêm gan B

Tiêm vắc-xin là cách phòng viêm gan vi-rút B hiệu quả nhất. 

 Hiện tại, viêm gan vi-rút B đã có thuốc phòng ngừa và tiêm ngừa là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh, đặc biệt là đối với các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HBV cao (nhân viên y tế, tiền sử truyền máu, gia đình có người nhiễm HBV...). Phụ nữ mang thai chưa nhiễm vi-rút và chưa có kháng thể nên tiêm vắc-xin để phòng bệnh. 

 Nước ta đã triển khai tiêm phòng cho tất cả trẻ em trong vòng 24 giờ sau sinh và các mũi kế tiếp theo hướng dẫn của chương trình tiêm chủng mở rộng. Cha mẹ nên hợp tác đưa trẻ đi tiêm phòng đúng theo hướng dẫn.

Đối với trẻ sinh ra từ mẹ có HBsAg (+) cần tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24h sau sinh (có trường hợp cần tiêm kháng huyết thanh viêm gan B). Sau đó, tiêm đầy đủ các liều vắc-xin viêm gan vi-rút B cho trẻ theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Hiện tại, Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới có đầy đủ phương tiện xét nghiệm hiện đại giúp chẩn đoán và điều trị viêm gan vi-rút B cũng như theo dõi trong quá trình điều trị : HBsAb định lượng, Hbe, siêu âm đàn hồi gan và các xét nghiệm hỗ trợ. Có bác sĩ chuyên khoa Nội tiêu hóa huyết học. Tại đây đã có thuốc điều trị viêm gan vi-rút B và được Bảo hiểm Y tế thanh toán.

Địa chỉ khám: Tại phòng khám Nội chung 236, tầng 2 khoa Khám bệnh

Thời gian khám: Sáng: 7h-11h30    Chiều: 13h-16h30       Từ thứ 2 tới thứ 6