Dinh Dưỡng Đối Với Bệnh Suy Tim

  1. Một số vấn đề dinh dưỡng đối với bệnh nhân suy tim

1.1 Suy mòn trên bệnh nhân suy tim

Khoảng l0% đến 15% bệnh nhân suy tim có suy mòn tim mạch, được định nghĩa là giảm cân không chủ ý ít nhất 6% trọng lượng cơ thể khi không có phù trong vòng 6 tháng. Khác với khi bị đói thông thường, sẽ giảm khối mỡ, suy mòn trong trường hợp này có đặc điểm mất khối nạc của cơ thể.

Giảm khối nạc làm nặng thêm suy tim vì mất khối cơ tim và làm quả tim bị suy mòn (đó là quả tim bị mềm và nhẽo). Thêm vào đó, có thay đổi cấu trúc, chuyển hóa tuần hoàn, viêm, thần kinh nội tiết tại khối cơ tim của bệnh nhân suy tim. Do vậy suy mòn tim mạch là biến chứng nghiêm trọng của suy tim mà có tiên lượng xấu và có tỷ lệ tử vong cao.

Cơ chế dẫn đến suy mòn tim mạch vẫn chưa rõ. Các yếu tố chuyển hóa đóng góp đến suy mòn tim mạch bao gồm suy dinh dưỡng, giảm hấp thu, và mất cơ chế nội mô cân bằng đồng hóa và dị hóa. Cũng như các bệnh mạn tính khác, người ta đã biết rằng suy mòn là trạng thái tiền viêm trong đó các cytokines như TNF-α, IL-l, và IL-6 tổng hợp quá nhiều trong máu và cơ tim bị hỏng. Các thay đổi chuyển hóa khác bao gồm tăng catecholamines dị hóa, (đó là norepinephrine, epinephrine, cortisol). Dường như khi mất cân bằng giữa đồng hóa và dị hóa, thì suy tim có thể dẫn đến suy mòn tim. Các bằng chứng gần đây cho rằng thiếu dòng máu đến ruột dẫn đến mất tính toàn vẹn của ruột trong đó các vi khuẩn và các chất độc trong tế bào có thể vào dòng máu và gây hoạt hóa các cytokine. Các cytokines tiền viêm như TNF-α và adiponectin cao nhất ở các bệnh nhân có suy mòn tim, sau đó là ở bệnh nhân có suy tim, và sau đó ở bệnh nhân không mắc bệnh. Tăng nồng độ

TNF-α có liên quan đến BMI thấp, giảm bề dày lớp mỡ dưới da, và giảm nồng độ protein, chất chỉ diểm của tình trạng dị hóa. Nồng độ adiponectin cao ở bệnh nhân suy tim, độc lập với các yếu tố nguy cơ khác đối với mức độ nặng của suy tim, và là một chỉ dấu cho gầy còm (wasting) và yếu tố dự báo tử vong. Cũng như TNF-α, nồng độ adiponectin tương quan ngược với BMI. Cho tới nay, chưa có biện pháp điều trị thành công đối với mất khối cơ, và các liệu pháp mới đang được khám phá. Ví dụ, Ghrelin, một peptide tăng cảm giác ngon miệng và khối mỡ có thể giảm sự hình thành suy mòn tim mạch. Bổ sung năng lượng giúp tăng năng lượng khẩu phần tuy nhiên không có bằng chứng cho thấy đảo ngược được tình trạng suy dinh dưỡng này.

1.2 Thiếu máu

Theo hướng dẫn điều trị của Hội tim mạch Hoa kỳ, bệnh nhân suy tim giai đoạn II và III theo phân độ NYHA và có thiếu sắt (ferritin <100 ng/mL hoặc 100 đến 300 ng/mL nếu bão hòa transferrin <20%), có thể truyền sắt tĩnh mạch để tăng cường chức năng và chất lượng sống. Cần đánh giá thiếu máu trên bệnh nhân suy tim, thiếu máu phụ thuộc mức độ nặng của suy tim, thiếu sắt liên quan đến giảm chức năng hoạt động. Người ta không khuyến nghị sử dụng thuốc kích thích erythropoietin trên bệnh nhân suy tim có thiếu máu.

1.3 Hạn chế muối

Hạn chế natri hợp lý đối với các bệnh nhân suy tim để giảm các triệu chứng sung huyết. Mức độ hạn chế natri và dịch tùy thuộc vào từng bệnh nhân, chưa có sự đồng thuận về mức độ hạn chế tối ưu đối với natri. Đối với người khỏe mạnh, nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị natri dưới 2000mg. Khuyến nghị cho bệnh nhân suy tim dao động từ 1200 đến 2400 mg/ngày. Đối với bệnh nhân sử dụng lasix liều cao, khuyến nghị dưới 2000mg. Hạn chế quá nghiêm ngặt (500mg/ngày) làm bữa ăn không ngon, gây giảm khẩu phần ăn.

Hạn chế natri thường được khuyến nghị đối với bệnh nhân suy tim. Số liệu về các khuyến nghị này còn hạn chế và thay đổi tùy theo các phác đồ, lượng dịch, và cách đo lượng khẩu phần natri, mức độ tuân thủ, và các đặc điểm lâm sàng và điều trị khác nhau trong các nghiên cứu do vậy khó để so sánh số liệu và rút ra kết luận. Các số liệu quan sát gợi ý mối liên hệ giữa khẩu phần natri, dự trữ dịch và nguy cơ nằm viện. Tuy nhiên có các nghiên cứu cho thấy khi hạn chế natri đối với bệnh nhân suy tim sẽ làm xấu tình trạng các hóc môn thần kinh. Cân bằng nội sinh Na thay đổi ở các bệnh nhân suy tim, ngược lại so với người khỏe mạnh đã phần nào giải thích tình trạng này. Ở hầu hết các nghiên cứu, bệnh nhân không được điều trị theo hướng dẫn; cho tới nay không có nghiên cứu đánh giá hiệu quả hạn chế muối đối với hoạt hóa hóc môn thần kinh, và kết quả điều trị khi bệnh nhân suy tim được điều trị tối ưu. Trừ 1 nghiên cứu quan sát đánh giá bệnh nhân suy tim tâm trương, tất cả các nghiên cứu trên bệnh nhân suy tim tâm thu. Các dữ liệu trên người da trắng; trong khi người ta cân nhắc đến khác biệt sinh lý bệnh tim mạch, bệnh thận giữa các chủng tộc, hiệu quả hạn chế muối ở các chủng tộc không phải da trắng bị suy tim không thể chắc chắn từ các nghiên cứu này. Phức tạp hơn nữa khi có 3 thử nghiệm lâm sàng có đối chứng đánh giá kết quả đầu ra khi hạn chế muối cho thấy khẩu phần ăn Na thấp liên quan đến kết quả điều trị kém ở bệnh nhân suy tim tâm thu (HFrEF). Từ những hạn chế này khó có thể đưa ra khuyến nghị khẩu phần ăn natri và không rõ liệu có thay đổi tùy loại suy tim (tâm thu hay tâm trương) HFrEF hay HFpEF), mức độ nặng của suy tim (phân độ NYHA), bệnh lý mắc cùng với suy tim (ví dụ suy chức năng thận) hoặc các đặc điểm khác như tuổi hoặc chủng tộc. Vì mối liên quan giữa muối khẩu phần ăn và cao huyết áp, phì đại thất trái và bệnh tim mạch, khuyến cáo của Hội Tim mạch Mỹ hạn chế natri xuống còn 1500 mg/ngày dường như thích hợp với hầu hết bệnh nhân suy tim giai đoạn A và B. Tuy nhiên, với bệnh nhân suy tim giai đoạn C và D, hiện nay không đủ số liệu để xác thực bất kỳ mức độ natri khẩu phần nào. Hội tim mạch Mỹ thường cân nhắc hạn chế có mức độ natri <3gr ở những bệnh nhân suy tim giai đoạn C và D để cải thiện triệu chứng. Tại Việt Nam, khuyến nghị natri khẩu phần dưới 2gr.

1.4 Giảm cân

Béo phì được định nghĩa khi BMI ≥30 kg/m2. Giảm cân phản ánh tình trạng suy mòn do tiêu hao năng lượng cao hơn do suy tim so với ở người khỏe mạnh. Chẩn đoán suy mòn tim mạch cảnh báo tiên lượng xấu. Những bệnh nhân béo phì bệnh lý có kết cục xấu so với bệnh nhân cân nặng bình thường và người béo phì. Đường cong phân bố hình chữ U cho thấy tỷ lệ tử vong lớn nhất ở bệnh nhân suy mòn tim mạch và người béo phì, tỉ lệ tử vong này thấp hơn ở người bình thường, thừa cân và béo phì độ nhẹ. Các thử nghiệm qui mô lớn về vai trò giảm cân đối với bệnh nhân suy tim béo phì vẫn chưa được thực hiện. Sibutramin chống chỉ định đối với bệnh nhân suy tim vì có thể mắc bệnh cơ tim.

1.5 Hạn chế dịch

Hạn chế dịch khoảng 2 lít/ngày thường đủ đối với bệnh nhân nằm viện không kháng thuốc lợi tiểu hoặc giảm natri mức độ vừa (natri máu <130mEd/L). Hạn chế dịch nghiêm ngặt có thể được chỉ định tốt nhất cho bệnh nhân hoặc kém đáp ứng với thuốc lợi tiểu, hoặc hạ natri máu nặng (Na máu <125mEq/L). Hạn chế dịch đặc biệt cùng với hạn chế natri, làm tăng hiệu quả của thuốc lợi tiểu. Hạn chế dịch rất quan trọng để kiểm soát hạ natri máu, làm cải thiện nồng độ natri máu, tuy nhiên khó thực hiện và khó duy trì.

1.6 Acid béo omega 3

Bổ sung acid béo không no nhiều nối đôi omega 3 như là liệu pháp điều trị hỗ trợ cho các bệnh nhân suy tim phân độ II-IV theo NYHA, suy tim tâm thu và tâm trương, trừ khi có chống chỉ định, để giảm tỷ lệ tử vong và nhập viện vì bệnh tim mạch. Bổ sung omega-3 PUFA được đánh giá là biện pháp điều trị hỗ trợ đối với bệnh tim mạch và bệnh suy tim. Các biện pháp dự phòng nguyên phát và thứ phát bệnh mạch vành đã chỉ ra bổ sung omega-3 PUFA làm giảm 10% đến 20% nguy cơ biến cố tim mạch gây tử vong và không gây tử vong. Thử nghiệm của GISSI (Gruppo Italiano per lo Studio della Sopravvivenzanell’Infarto miocardico) đã chứng minh giảm 21% số tử vong trong các bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim khi uống 1 g omega-3 PUFA (850 mg to 882 mg of eicosapentaenoic acid [EPA] and docosahexaenoic acid [DHA] ở dạng ethyl esters với tỷ số 1:1.2). Các phân tích nhóm nhỏ post hoc đã phát hiện việc giảm tỷ lệ tử vong và SCD được tập trong ở khoảng 2000 bệnh nhân có LVEF giảm. Các nghiên cứu viên của GISSI-HF ngẫu nhiên chọn 6975 bệnh nhân suy tim mạn tính NYHA độ II–IV uống 1 g omega-3 PUFA hàng ngày (850 mg to 882 mg EPA/DHA) hoặc nhóm chứng. Số tử vong từ bất kỳ nguyên nhân nào cũng đã giảm từ 29% nhóm đến 27% ở nhóm điều trị bằng omega-3 PUFA.

Kết quả đầu ra về tử vong hoặc nhập viện đối với các biến cố bệnh viện đã giảm đáng kể. Các báo cáo cho thấy liệu pháp điều trị này an toàn và dung nạp rất tốt. Các nghiên cứu sâu hơn cần thiết để xác định rõ hơn liều tối ưu và công thức bổ sung omega-3 PUFA. Việc sử dụng bổ sung omega-3 PUFA hợp lý như là biện pháp điều trị không dùng thuốc ở các bệnh nhân bị suy tim mạn tính.

1.7 Thực phẩm chức năng, bổ sung dinh dưỡng

Các bệnh nhân suy tim, đặc biệt những người điều trị lợi tiểu, có thể thiếu các vitamin và các chất khoáng. Nhiều loại bổ sung dinh dưỡng như coenzyme Q10, carnitine, taurine, và các chất chống oxy hóa) đã được đề xuất điều trị suy tim. Mặc dù nhiều số liệu chỉ ra có thiếu hụt, nhưng chưa chứng minh được lợi ích của việc dùng thường xuyên các vitamin bổ sung. Chưa có thử nghiệm lâm sàng chứng minh tăng tỷ lệ sống khi dùng bổ sung dinh dưỡng trừ omega-3. Có một số nghiên cứu chỉ ra hiệu quả của coenzyme Q10 làm giảm tỷ lệ tái nhập viện, khó thở, và phù trên bệnh nhân suy tim nhưng những hiệu quả này chưa được thấy chính thức. Vì có thể xuất hiện các hiệu quả ngược và tương tác thuốc của các loại bổ sung dinh dưỡng, các loại bổ sung này không được khuyến nghị điều trị bệnh nhân suy tim cho tới khi có thêm số liệu.

1.8 Luyện tập hoạt động thể lực

Đối với bệnh nhân suy tim rất an toàn và có nhiều lợi ích, làm giảm tỷ lệ tử vong, tăng chức năng, tăng độ bền, tăng chất lượng sống, ngoài ra cải thiện chức năng nội mạc. Mức độ và hình thức dựa trên từng bệnh nhân cụ thể. Khuyến khích tập luyện khoảng 30 phút/ngày, từ 5-7 ngày trong tuần với cách tăng cường độ từ từ lúc khởi đầu và giảm dần cường độ lúc cuối buổi tập. Khi lâm sàng ổn định, khuyến khích bệnh nhân thực hiện các công việc hàng ngày và các hoạt động lúc nhàn dỗi mà không gây ra triệu chứng.

  1. Mục tiêu chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng nhằm giảm gánh nặng cho tim, hỗ trợ điều chỉnh rối loạn nước và điện giải và phòng và điều trị suy dinh dưỡng hoặc béo phì (nếu có).

  1. Nguyên tắc chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng cần cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng để phòng béo phì, suy dinh dưỡng và suy mòn, với mức năng lượng: 25-35kcal/kg cân nặng/ngày và protein: 1- 1,2g/kg cân nặng/ngày. Khi bệnh nhân có kèm các bệnh lý khác, điều chỉnh phù hợp tình trạng bệnh lý, tình trạng dinh dưỡng và mức dung nạp của bệnh nhân, chú ý đảm bảo đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng đối với các bệnh nhân suy tim có suy mòn kèm theo, hoặc tránh thừa năng lượng với bệnh nhân bị thừa cân, béo phì. Chế độ dinh dưỡng cần giảm gánh nặng cho tim bằng cách hạn chế natri, hạn chế dịch và kiểm soát trọng lượng cơ thể. Với các bệnh nhân ăn đường miệng, cần chia nhỏ nhiều bữa, đặc biệt giúp bệnh nhân dễ dung nạp chế độ ăn khi có chán ăn và khó thở. Chế độ ăn được bổ sung thức ăn giàu năng lượng, giàu dinh dưỡng hoặc các dung dịch bổ sung. Lượng natri: < 2000mg/ngày và nhu cầu dịch: tùy theo tình trạng của bệnh nhân và do bác sĩ chỉ định [3].

  1. Lựa chọn thực phẩm và thực đơn tham khảo

Lựa chọn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, các loại thực phẩm giàu kali: khoai tây, các loại rau họ cải, su hào, súp lơ, các loại hoa quả (phụ lục 13), hạn chế/hoặc tránh các loại thực phẩm nhiều muối như thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhiều muối: mỳ ăn liền, đồ hộp, xúc xích, lạp xưởng và hạn chế/hoặc tránh các loại thực phẩm nhiều chất béo no, chất béo đồng phân trans, nhiều

4.1 Thực đơn tham khảo

Giờ ăn

Món ăn

 

6.30 -7.00

Phở thịt gà: Bánh phở: 120g; thịt gà: 40g; nước dùng (100ml); hành lá;   rau thơm; chanh

9.00

Sữa bổ sung dinh dưỡng pha chuẩn 100ml

 

 

11-11.30

Cơm lưng bát con (gạo tẻ 50g) trứng rán: trứng gà ta 1 quả; 45g đậu phụ luộc: đậu phụ 50g

Su su xào: su su: 150g; dầu ăn: 7ml canh cải xanh (100ml): cải xanh 50g

Quýt ngọt: 100g (cả vỏ)

 

15.00

Cháo thịt nạc: 1 bát con

Gạo tẻ: 30g

Thịt lợn nạc: 25g dầu ăn: 5mL hành lá

 

17.30 – 18.00

Cơm lưng bát con (gạo tẻ 40g)

Thịt bò xào cần tỏi: thịt bò: 50g; cần tỏi tây: 30g; dầu ăn: 5 ml; canh rau ngót nấu thịt (100ml): rau ngót 50g, thịt 10g

Hồng xiêm: 100g

21.00-21.30

Sữa bổ sung dinh dưỡng pha chuẩn: 100ml

Lưu ý

Gia vị dùng trong chế biến muối (3-4g) hoặc nước mắm (15-20ml).

Nước uống trong ngày: 6-7 cốc (200ml/cốc)

 

Giá trị dinh dưỡng

Năng lượng: 1605 Kcal

Protein: 70(g); Glucid: 239(g); Lipid: 41(g)

Canxi: 606(mg); Fe: 18,3(mg); Zn:10,3(mg); Xơ: 9,2(g)

Natri: 1561-1961(mg); Kali: 2461(mg); Cholesterol: 285(mg); Dịch: 2 lít

 

Bài viết được tổng hợp trình bày bởi Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới

Trên đây là những thông tin về dinh dưỡng điều trị bệnh suy tim mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hãy thường xuyên theo dõi Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới để cập nhật những tin tức có giá trị góp phần bảo vệ sức khỏe của bạn và những người thương yêu bên cạnh các bạn.

Mọi thông tin trên chỉ mang tính tham khảo, bạn có thể nhận tư vấn dinh dưỡng trực tiếp tại khoa Dinh Dưỡng, tầng 1 khu nhà 5 tầng.