Dinh Dưỡng Điều Trị Bệnh Viêm Gan

 

1.Viêm gan virut cấp

1.1 Định nghĩa

Viêm gan virut cấp là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp do các virut viêm gan (HAV, HBV, HCV, HDV, HEV, ...) gây ra. Bệnh khởi phát đột ngột và thời gian mắc bệnh ngắn - phần lớn người bị viêm gan cấp tính thường được phục hồi sau khoảng một đến hai tháng. Tuy vậy, có một số ít trường hợp kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm hoặc tiến triển tiến tới suy gan.

1.2 Nguyên tắc dinh dưỡng

Mục tiêu

- Tăng cường tái tạo tế bào gan. Ngăn ngừa những tổn thương nặng hơn.

- Phòng ngừa giảm cân vì giảm cân thường là hậu quả của chán ăn, buồn nôn, nôn.

- Tăng cường dự trữ glycogen, kiểm soát hạ đường máu.

- Cung cấp protein, glucid hàm lượng cao.

- Cung cấp dịch để phòng mất nước, trừ khi chống chỉ định.

- Phòng ngừa lây lan.

Nguyên tắc: Tùy giai đoạn của bệnh mà có chế độ ăn phù hợp.

- Giai đoạn đầu:

Thời kỳ này bệnh nhân có thể sốt, nôn, đau nhức hoặc biếng ăn. Vì gan vẫn phải làm việc khi tế bào gan bị tổn thương do đó phải áp dụng chế độ nương nhẹ gan và nương nhẹ dạ dày, ruột.

Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn như sau:

+ Năng lượng: 25kcal/kg cân nặng hiện tại/ngày. Chủ yếu cung cấp năng lượng bằng đường đơn: (truyền glucose, uống nước đường, nước hoa quả, sữa tươi, nước cơm, nước cháo…). Khi sốt đã giảm, lượng nước tiểu tăng lên, áp dụng chế độ ăn sữa với khoảng 1000kcal (1000 - 1500ml sữa)/ngày. Sữa là một loại thức ăn tốt, có thể dùng sữa tách bơ hoặc sữa tách béo pha thêm đường hoặc dùng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng khác.

+ Protein: 0,8 – 1 g/kg cân nặng hiện tại/ngày, dùng protein có giá trị sinh học cao

+ Lipid: 10 - 15% tổng năng lượng. Axit béo chưa no một nối đôi chiếm 1/3, nhiều nối đối chiếm 1/3 và axit béo no chiếm 1/3 trong tổng số lipid.

+ Đủ vitamin và chất khoáng theo nhu cầu.

+ Số bữa ăn: 6 - 8 bữa/ngày.

- Giai đoạn tiếp theo:

Cuối giai đoạn cấp tính này có thể cho bệnh nhân ăn thêm ngũ cốc dưới dạng bột, cháo và khi đã hết sốt áp dụng chế độ ăn có nhiều protid và nhiều methionin như sữa tách bơ, thịt nạc, cá nạc cùng với tăng cường năng lượng, tăng cường chất bột.

Nguyên tắc:

- Năng lượng: 30- 35kcal/kg cân nặng hiện tại/ngày.

- Protein: –1- 1,2kg/cân nặng hiện tại/ngày. Tỷ lệ protein động vật/Protid tổng số > 50%.

- Lipid: Tăng dần tới –15 - 20% tổng năng lượng. Axit béo chưa no một nối đôi chiếm 1/3, nhiều nối đôi chiếm 1/3 và axit béo no chiếm 1/3 trong tổng số lipid.

- Đủ vitamin, chất khoáng và nước

- Không dùng thực phẩm lạ, dễ gây dị ứng

- Số bữa ăn: 4-6 bữa/ ngày

- Nếu ăn không đủ theo đường tiêu hóa có thể truyền thêm glucose để thêm năng lượng.

 - Khi thời gian chán ăn, các triệu chứng buồn nôn, nôn giảm, có thể dùng chế độ sữa + bột + rau củ, nghĩa là cùng với sữa cho ăn thêm: cháo, phở, quả chín (chuối). Rau tươi nấu chín (trừ cải, đậu đỗ).

- Giai đoạn hồi phục: cần chú ý tăng protit (chất đạm), ngoài sữa cần dùng thêm thịt, cá, trứng.

- Năng lượng: 30 - 35 kcal/kg cân nặng/ngày. Người trên 60 tuổi, mức năng lượng 30 kcal/kg cân nặng/ngày.

- Protein: tăng lên 1-1,5g/kg thể trọng

- Trong giai đoạn hồi phục thường dùng trong 3 tháng

1.3 Chỉ định chế độ dinh dưỡng

- Cung cấp dinh dưỡng bằng truyền tĩnh mạch dung dịch glucose 5-10% và acid amin.Nên sử dụng Acid amin mạch nhánh.

- Khi người bệnh khá hơn, có thể cho chế độ ăn lỏng, tiếp theo có thể cho chế độ ăn mềm chia làm nhiều bữa với khối lượng nhỏ. Chỉ sử dụng nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch nếu cần. Tránh glutamin.

- Cùng với chế độ ăn, bổ sung thêm vitamin nhóm B (đặc biệt Vitamin B1, B12), vitamin K (nếu có xu hướng chảy máu), vitamin C, kẽm để cải thiện sự thèm ăn.

- Khuyến khích bổ sung thêm dịch trừ khi có chống chỉ định.

1.4 Thực phẩm nên dùng và hạn chế dùng

Nên dùng

- Thức phẩm tươi ngon.

- Thịt nạc, sữa. Trứng ăn vừa phải và chỉ nên dùng trứng tươi.

- Ít chất béo và dùng dạng dầu thực vật, tránh dùng mỡ động vật.

- Tăng cường chất đường, mật, bột ngũ cốc.

- Rau quả loại tươi, mềm, ít xơ, nhiều ngọt.

Không nên dùng

- Không dùng những thực phẩm lạ dễ gây dị ứng.

- Tránh ăn nhiều thịt súc vật non vì có chứa nhiều nucleoprotid.

- Không dùng gia vị, rượu bia, chất kích thích.

- Không nên chế biến cầu kỳ.

  1. Viêm gan mạn

2.1 Định nghĩa:

Viêm gan mạn là tổn thương mạn tính ở gan có đặc trưng là xâm nhập tế bào viêm và hoại tử tế bào gan kéo dài trên 6 tháng. Có nhiều nguyên nhân gây viêm gan mạn tính nhưng nguyên nhân do virus viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu

2.2 Nguyên tắc chế độ dinh dưỡng

- Cần chọn thực phẩm tươi, tránh thức ăn dễ gây dị ứng như đồ biển, tôm, ốc, sò, hến, cá sống. Tránh nấu nướng cầu kỳ.

- Cần ăn nhiều bữa để cơ thể hấp thu tốt.

- Dùng thịt nạc, trứng phải đun chín. Sữa dùng rất tốt.

- Các chất béo chỉ nên dùng dầu thực vật ăn sống, tránh xào rán.

- Không được uống rượu, dùng nhiều gia vị.

2.3 Chỉ định

- Năng lượng: 30 - 35 kcal/kg cân nặng/ngày. Người trên 60 tuổi thì mức năng lượng 30 kcal/kg cân nặng/ngày.

- Protein: 1 - 1,5 g/kg cân nặng/ngày.

- Lipid: 20 - 25% tổng năng lượng.

- Glucid: tỷ lệ phù hợp với tổng năng lượng.

- Đủ vitamin và khoáng chất.

- Nước: theo nhu cầu khuyến nghị.

- Những bệnh nhân có cổ chướng: nên sử dụng dịch nuôi có đậm độ năng lượng cao để hạn chế dịch đưa vào.

- Đề phòng/theo dõi rối loạn glucose máu, có hạt mỡ trong phân, rối loạn chuyển hóa lipid máu... để điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.

- Số bữa ăn: 4 - 6 bữa/ngày hoặc nhiều hơn tùy khả năng dung nạp

2.4 Thực phẩm nên dùng và hạn chế dùng

Nên dùng: Thực phẩm tươi, tránh thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản, cua, tôm, ốc, tránh nấu nướng cầu kỳ.

Protein từ cá và sữa bò rất tốt. Acid béo và omega-3 từ thực vật hay từ cá đều tốt cho gan và làm chậm quá trình ung thư hóa gan. Do đó, chất béo từ cá, trứng, vừng tốt cho gan. Quan trọng là không dùng dư thừa.

Hạn chế dùng: các chất béo, các món rán. Có thể chế biến thực phẩm thành các món kho, nấu, luộc, hấp chứ không nên rán. Không được uống rượu, bia.

Bài viết được tổng hợp trình bày bởi Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới

Trên đây là những thông tin về dinh dưỡng điều trị bệnh viêm gan mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hãy thường xuyên theo dõi Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới để cập nhật những tin tức có giá trị góp phần bảo vệ sức khỏe của bạn và những người thương yêu bên cạnh các bạn.

Mọi thông tin trên chỉ mang tính tham khảo, bạn có thể nhận tư vấn dinh dưỡng trực tiếp tại khoa Dinh Dưỡng, tầng 1 khu nhà 5 tầng.