Hướng Dẫn Sử Dụng Thuốc Kháng Đông Kháng Vitamin K Tại Nhà

Thuốc kháng đông là gì và tại sao bạn phải uống thuốc kháng đông?

Thuốc kháng đông được các bác sỹ kê đơn nhằm ngăn chặn sự hình thành cục máu đông bất thường mới hoặc ngăn chặn cục máu đông bất thường có trong cơ thể trở nên lớn hơn.

Bạn không được tự ý sử dụng thuốc kháng đông mà phải được bác sỹ kên đơn. Bạn phải tái khám định kỳ trong quá trình sử dụng và được theo dõi chặt chẻ các tai biến xảy ra trong quá trình sử dụng bởi bác sỹ.

Thuốc kháng đông kháng vitamin K đường uống được sử dụng phổ biến tại Việt Nam là acenocoumarol. Bác sỹ kên đơn thuốc kháng đông kháng vitamin K khi bạn có một trong các tình trạng sau đây:

  • Rung nhĩ
  • Có van tim nhân tạo (cục máu đông có thể gây kẹt van, đặc biệt là van cơ học)
  • Sửa van tim có sử dụng vòng van nhân tạo
  • Cục máu đông gây thuyên tắc chi dưới hoặc phổi

Tại sao bạn cần xét nghiệm máu khi sử dụng thuốc kháng đông kháng vitamin K?

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc kháng đông kháng vitamin K. Do đó để theo dõi tác dụng của thuốc kháng đông kháng viatmin K cần dựa vào một chỉ số gọi là INR. Xét nghiệm máu kiểm tra INR giúp cho BS ước lượng được liều thuốc kháng vitamin K cần phải dùng. INR càng cao thì càng tăng nguy cơ chảy máu, INR càng thấp thì càng tăng nguy cơ tạo cục máu đông. Để đảm bảo duy trì INR trong giới hạn cho phép, bạn sẽ được BS cho làm xét nghiệm INR định kỳ và bạn cần phải tuân thủ việc theo dõi này. BS sẽ thông báo cho bạn biết về phạm vy INR mục tiêu bạn cần đạt được. Mỗi bệnh lý sẽ có INR mục tiêu khác nhau.

Những lưu ý khi sử dụng thuốc kháng đông kháng vitamin K tại nhà

  • Những loại thuốc kháng đông kháng vitamin K hay dùng
  1. Vincerol 1mg (thành phần acenocoumarol 1mg)
  2. Sintrom 4mg (thành phần acenocoumarol 4mg)
  • Cách sử dụng

- Lúc 8h sáng và 20h tối

- Liều lượng theo đúng sự kê đơn của BS dựa theo kết qủa xét nghiệm INR

  • Những tác dụng phụ mà bệnh nhân và người nhà cần theo dõi tại nhà

- Chảy máu: từ vết thương lâu cầm máu, chảy máu cam, chảy máu chân răng

- Nôn ra máu, đi cầu phân đen,ho ra máu,chảy máu mắt

- Kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường

- Nước tiểu màu hồng hoặc nâu

- Bầm tím trên da mảng lớn, sưng đau cơ

- Nhức đầu chóng mặt, yếu nữa người, méo miệng

  • Xử trí khi có các dấu hiệu trên

- Ngưng ngay liều chống đông tiếp theo

- Liên lạc với bác sĩ điều trị hoặc tái khám ngay

Những điều lưu ý khi dùng thuốc chống đông

  1. Chế độ ăn

- Tất cả các loại rau xanh đều ảnh hưởng tới thuốc chống đông do chứa nhiều vitamin K. Có thể sử dụng một lượng ít rau xanh cố định trong bữa ăn hằng ngày.

- Các loại thực phẩm ảnh hưởng đến thuốc và hạn chế sử dụng: lá vối, ngò tây, bắp cải, bơ, nhân sâm, sữa đậu nành, thuốc bổ multivitamin có vitamin K, các loại sữa có chứa vitamin K (sữa Ensure,...)

  1. Lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày

- Hạn chế uống bia rượu vì tăng tác dụng thuốc

- Tránh hoạt động thể chất dễ gây té ngã, chấn thương

- Cẩn thận khi sử dụng dao kéo, vật sắc nhọn. Sử dụng bàn chải đánh răng mềm

- Tránh thay đổi chế độ ăn đột ngột

- Kiểm tra đông máu chỉnh liều khi tăng hoặc giảm cân nặng

- Báo với BS về việc đang sử dụng chống đông nếu được kê thuốc hoặc có bệnh lý cần thực hiện thủ thuật, phẩu thuật.

- Một số bệnh thông thường có thể làm tăng nhanh INR khiến bạn dễ chảy máu như: tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn kéo dài trên 2 ngày, sốt cao, nhiểm khuẩn.

  • Phải làm gì khi quên uống thuốc kháng vitamin K

Nếu bạn quên một cử thuốc kháng vitamin K và nhớ ra trước nữa đêm của ngày hôm đó, bạn phải uống ngay lúc bạn nhớ. Còn mãi đến ngày hôm sau bạn mới nhớ ra, bạn không được uống bù cử thuốc đã quên đó.